1. Sổ hồng là gì?
Pháp luật đất đai và nhà ở qua các thời kỳ không quy định thuật ngữ “Sổ hồng”. Tương tự đối với “Sổ đỏ”, “Sổ hồng” là cách người dân thường gọi dùng để chỉ Giấy chứng nhận về nhà đất dựa theo màu sắc.
– Trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại loại Giấy chứng nhận mà bìa có màu hồng dùng để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (thường gọi là Sổ hồng theo mẫu của Bộ Xây dựng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ – thường gọi là Sổ đỏ theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
– Từ ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Lưu ý: Tuy từ ngày 10/12/2009, chỉ cấp một loại Giấy chứng nhận theo mẫu chung (có bìa màu hồng cánh sen) nhưng các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được cấp trước đó vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới.
Như vậy, “Sổ hồng” là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
* Trong các bài viết về nhà ở và đất đai, LuatVietnam thường sử dụng thuật ngữ “Sổ hồng” và “Sổ đỏ” nhằm mục đích giúp cho người dân dễ hiểu.
2. Sổ hồng khác gì với Sổ đỏ?
Theo quy định, “Sổ hồng” và “Sổ đỏ” chỉ khác nhau khi được cấp trước ngày 10/12/2009. Từ ngày 10/12/2009 thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp một loại Giấy chứng nhận áp dụng trong phạm vi cả nước; nên cách gọi “Sổ hồng” và “Sổ đỏ” dùng để chỉ Giấy chứng nhận được cấp từ ngày 10/12/2009 đến nay là không khác nhau, đều chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại khoản 2 Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014 quy định:
“Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Để xem sự khác biệt giữa “Sổ đỏ” và “Sổ hồng” trước ngày 10/12/2009 bạn đọc hãy xem tại: Phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng
Sổ hồng là gì? Sổ hồng khác gì với Sổ đỏ? (Ảnh minh họa)
3. Thông tin ghi trên Sổ hồng
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và Trang bổ sung nền trắng như sau:
– Trang 1 có nội dung quan trọng nhất là tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Trang 2 là thông tin về thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Trang 3 là sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận.
– Trang 4 là những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận (ví dụ khi chuyển nhượng, tặng cho…sẽ ghi thông tin về việc chuyển nhượng, tặng cho vào trang 3 và trang 4).
– Trang bổ sung Giấy chứng nhận.
4. Khi nào được cấp Sổ hồng?
Theo khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
– Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các Điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013 (khi hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc không có giấy tờ nhưng đủ điều kiện cấp).
– Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014.
– Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.
– Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.
– Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
– Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
– Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
– Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.
– Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Trên đây là những quy định giải đáp cho câu hỏi Sổ hồng là gì? và một số quy định liên quan Sổ hồng. Theo đó, “Sổ hồng” chỉ là cách gọi của người dân dựa theo màu bìa của Giấy chứng nhận.
>> Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
Khắc Niệm
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Tổng hợp các thủ thuật khắc phục lỗi máy tính chạy chậm trên Windows 10/8/8.1/7 và Windows XP
- Mẹo cài đặt chạm hai lần để mở khóa màn hình iPhone và Samsung
- Cách gỡ bỏ 97% virus quảng cáo trình duyệt trên PC & Laptop
- Hướng dẫn cách chuyển AutoCAD đời cao về AutoCAD đời thấp hơn
- Chia sẻ cho tài khoản spotify premium 2021 miễn phí và cập nhật tháng mới nhất