Một cuộc khảo sát gần đây của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong 100 người tham gia khảo sát cách xử lí nếu bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm; các đáp án được đưa ra là: Kết quả, có tới 63% lựa chọn nói xấu sau lưng. Tạm định nghĩa “nói xấu sau lưng” là hành động chỉ ra khuyết điểm của người khác một cách lén lút với mục đích xấu; thậm chí dèm pha, bôi xấu, bóp méo hình ảnh của đối tượng được nhắc đến, nhằm hạ bệ họ, thỏa mãn nhu cầu vị kỉ cá nhân. Nhưng vì sao hành vi “phi quân tử” này lại trở thành một sự lựa chọn hàng đầu như vậy?
Lòng vị kỉ và sự hèn nhát tạo ra những kẻ “ngồi lê đôi mách”
Tôi cá chắc rằng, không ai trong chúng ta chưa từng nói xấu hoặc tham gia vào một nhóm nói xấu người khác. Thứ nhất, vì nó dễ. Sự thật mếch lòng, hoặc dù không phải sự thật thì những điều xấu xí cũng khó nói trước mặt, “ném đá giấu tay” cho người nói một cảm giác an toàn vì nó ở trong bóng tối, trong bí mật. Bí mật luôn là sự ràng buộc tuyệt vời cho một mối quan hệ, và trở thành một thứ “quà” tinh thần nếu muốn làm thân với ai đó. Bởi vậy mới có câu “bán bạn làm quà”.
Bất cứ đâu cũng có những kẻ xấu tính, bởi vậy, việc nói xấu xuất hiện ở mọi nơi, mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, lý giải ở góc độ sâu xa, có thể nói, tật dèm pha tọc mạch này của người Việt một phần cũng được cắt nghĩa từ lối sống xửa xưa của văn minh nông nghiệp làng xã. Ngày trước cả làng cô kết với nhau trong vòng bao bọc của luỹ tre làng, chuyện làng chuyện xóm, từ sáng đến trưa là cả làng đều biết. Không gian nhỏ hẹp và cuộc sống quá đỗi yên bình, thậm chí có phần tẻ nhạt sinh ra thói ham cái mới.
“Tục lệ” “lấy câu chuyện làm quà” khiến người ta luôn muốn chuẩn bị cho mình thật nhiều câu chuyện – mà đa số là chuyện xấu của người khác, và ai cũng muốn chuyện của mình thật hay, thật độc. Muốn vậy, người ta không chỉ cần sống phần mình mà rảnh rỗi thì còn phải dòm ngó, nghe ngóng, thu thập “chuyện lạ bốn phương”, và đôi khi cần phải “sáng tạo”, thêm thắt cho thêm phần kịch tính, đậm đà. Thói “vạ miệng” cũng sinh ra từ đây.
Một người như vậy đã nguy hiểm, nhiều người như vậy thì chuyện bé xé ra to cũng là điều dễ hiểu. Nếu sự truyền miệng trong dân gian có thể tạo ra sự phong phú cho kho tàng ca dao tục ngữ thì ở mặt tiêu cực, “đặc trưng” này hoàn toàn có thể dựng nên nhiều phiên bản cho một con người – đối tượng bị nói xấu.
Thứ hai, nói xấu người khác cho người ta cảm giác mình tốt đẹp hơn người, mình đứng ngoài cái xấu, đứng trên cái xấu và anh minh trước cái xấu. Xét nét, săm soi thói hư tật xấu của người khác là một hình thức để tự thôi miên cái tôi đang gầm gừ đầy yếu ớt và tổn thương trong mỗi con người. Nó chỉ cảm thấy được an toàn khi biết được những điểm yếu, những sai lầm của người khác. Nó sợ hãi trước những kẻ vượt trước và có nguy cơ vượt trước. Sự hèn nhát không cho nó đương đầu một cách công bằng, lòng vị kỉ khiến nó đề cao và làm mọi thứ vì bản thân – một trong số đó là hạ bệ người khác.
Không khó để thấy nọc độc của con rắn ganh ghét trong cuộc sống. Ở một tập thể, luôn có những kẻ tối ngày chỉ biết dèm pha xét nét soi mói, nói xấu hết người này đến người nọ, chia rẽ nội bộ, kìm hãm tài năng, thừa nước đục thả câu. Trong một công ty, người tài, nhất là người trẻ có năng lực thường bị ngáng đường bởi những kẻ mồm mép đi “cửa sau”, thêu dệt, xuyên tạc sự thật để chĩa sự ghét bỏ vào người mà hắn không thể vượt qua bằng tài năng thực sự.
Nhiều kẻ bào chữa cho hành vi của mình là đóng góp trên quan điểm cá nhân, là công khai sự thật một cách kín đáo để hài hòa giữa mọi người.
Dĩ nhiên, đó chỉ là sự bào chữa. Nếu những gì dùng để “nói xấu” là sự thật thì cần gì phải làm “sau lưng”? Mọi sự góp ý chỉ có tác dụng khi nó được bày tỏ một cách thẳng thắn, thiện chí, chân thành. Dĩ hòa vi quý là hành động cư xử đúng mực, trên cơ sở tình cảm thực sự chứ không phải thói thảo mai hai mặt như trên.
Nói xấu sau lưng không chỉ cho “thủ phạm” có không gian để bịa đặt mà còn dễ dàng kiếm được những “đồng minh bóng tối” của chúng. Vì bóng tối là nơi những con rắn tò mò và ganh ghét dễ dàng gặp được nhau.
Những kẻ nói xấu sau lưng người khác là những kẻ luôn luôn ở phía sau
Thực chất, nói xấu sau lưng chỉ là hành động của những kẻ yếu kém bất lực. Người sống có mục đích, có ước mơ sẽ không có thời gian để soi mói xét nét người khác. Người quân tử biết phân biệt đúng sai, biết nhìn vào điểm mạnh của mọi người để soi xét bản thân, học tập và tiến bộ. Kẻ tiểu nhân chỉ nhìn thấy điểm yếu, lỗi sai, bới lông tìm vết mọi đối tượng để phán xét, tự đề cao bản thân mình.
Cách bạn nhìn người cũng có thể chứng tỏ bạn là ai. Đề cao, tôn trọng và thừa nhận điểm mạnh của người khác không làm ta thụt lùi hơn họ mà chính là thể hiện thiện chí học hỏi, ý thức cầu tiến, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Ngược lại, moi móc, hạ bệ, coi thường người khác chẳng khác nào tự đóng chặt mọi cơ hội tiến bộ của bản thân, sống trong ảo tưởng, ếch ngồi đáy giếng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học xã hội, nói xấu sau lưng đã có một hình thức khác – tưởng rằng công khai nhưng thực chất vẫn là đâm chọt đằng sau thành công của người khác – hành vi lăng nhục qua mạng. Lợi dụng không gian ảo internet, núp sau màn hình máy tính, không ít kẻ tự cho mình quyền được “nhân danh công lý” để sỉ nhục, nói xấu người khác một cách công khai.
Tuy nhiên, công khai nói xấu trên mạng không có nghĩa là quang minh chính đại, vì bất cứ ai cũng biết rằng, danh tính của kẻ đứng sau những phát ngôn cay nghiệt ấy rất ít khi bị đưa ra ánh sáng. Thói tọc mạch, ghen tị ngày càng lớn và khát vọng làm tổn thương người khác của những kẻ độc địa đã và đang trở thành vấn đề lớn của nền văn hóa mọi quốc gia.
Có thể thấy rằng, việc thể hiện thái độ bất mãn trước người giỏi hơn mình (hoặc chưa biết có giỏi hơn mình hay không?) bằng cách đâm sau lưng chẳng khác nào tự thừa nhận ta yếu kém, sợ hãi và không dám đương đầu một cách công bằng. Chỉ những kẻ không có tiếng nói, không có năng lực mới dùng đến cách này để hạ bệ, “dìm hàng” người khác.
Con người là một sinh vật không toàn thiện. Ai cũng có những nhược điểm, sở đoản, ai cũng sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, người sáng suốt sẽ không nhìn vào đó để coi thường đối phương mà luôn lấy đó là bài học cho chính mình. Lòng khoan dung không bao giờ là thừa. Nó giúp ta có thêm niềm tin vào con người, đẩy lùi sự ích kỉ, nhỏ nhen hay những suy tính hẹp hòi tủn mủn.
Hơn nữa, thái độ của ta đối với lỗi lầm của người khác không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến chính họ. Nếu ta luôn mang con mắt định kiến với mọi người, vô hình trung ta đã phần nào lấy đi tự tin của người đó về bản thân họ, tước đi cơ hội học tập và tỏa sáng của một tài năng. Ngược lại, nếu ta khoan dung, rộng lượng, góp ý bằng tấm lòng chân thành, tinh thần xây dựng, họ sẽ có động lực để vượt lên chính mình. Mối quan hệ giữa người với người, sự phát triển của toàn xã hội cũng từ đó mà đi lên.
Còn nếu bạn là đối tượng bị nói xấu? Hãy vui lên, vì bạn “vĩ đại” hơn bạn tưởng!
Không phải ai cũng có thể trở thành đối tượng “được nói xấu”. Sự đố kị thường chỉ xuất phát từ những kẻ đứng dưới. Bởi vậy, khi có ai đó có ý định đàn áp, hãm hại bạn bằng những lời lẽ giảo biện thì cũng chỉ là biểu hiện của sự sợ hãi trước những gì bạn có mà thôi. Thời gian sẽ là câu trả lời xứng đáng nhất cho câu hỏi bạn là ai, con người bạn thế nào. Chỉ cần bạn luôn là chính mình, luôn chân thành và tốt đẹp.
Tương tự như thế, cũng đừng bao giờ chỉ nghe từ một phía. “Người thông minh thì không quen tôi qua miệng kẻ khác” (Phạm Băng Băng). Nhìn nhận một người là một quá trình lâu dài, tỉ mỉ, đặt người ấy trong nhiều trường hợp, để thấy được cái tốt đẹp, cái chưa hoàn hảo.
Con người là một thể đa diện nhiều mặt, nhiều cá tính. Không thể vì một hành động nhỏ hoặc một lời nói dèm pha mà khẳng định ai đó là xấu xa. Hơn nữa, mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, có thế giới quan riêng, cái tôi không thể trộn lẫn, bởi vậy, trong quá trình tiếp xúc, xung đột về quan niệm, cách nghĩ là không thể tránh khỏi. Khi điều này xảy ra, kẻ hẹp hòi sẽ luôn cho mình là đúng, là trung tâm của vũ trụ và đả kích, ghét bỏ đối phương. Ngược lại, người biết suy nghĩ sẽ học tập, đối chiếu, so sánh để tiến bộ.
Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng cho mình là tốt nhất, hoàn hảo nhất mà bỏ qua những lời góp ý từ những người xung quanh thì lại biến mình thành một kẻ cố chấp, bảo thủ, độc đoán. Biết phân biệt phải trái, đúng sai, biết lắng nghe để trưởng thành và bỏ ngoài tai những lời ác ý mới có thể giúp ta thành công.
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Top ứng dụng chụp ảnh xóa phông trên điện thoại Android, iPhone
- Pikachu – Game Pikachu cổ điển
- Tai nghe JBL C150SI | Giá rẻ, bảo hành 12 tháng 1 đổi 1
- Hướng dẫn tạo, bug file Ghost với Hiren’s Boot (rất dễ hiểu)
- Cách chặn quảng cáo YouTube trên điện thoại iPhone iOS, Android, Chrome