Ngành kinh tế gồm những ngành nào? Kinh tế là khối ngành sau khi học sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức sâu rộng về kinh tế nhằm chuẩn bị cho sinh viên trước những cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và thậm chí là có thể làm ở các cơ quan nhà nước.
Các ngành học của khối ngành
Khổi ngành kinh tế học rất rộng và đào tạo rất nhiều nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng hiện nay có một số ngành “hot” được sự quan tâm rất nhiều của sinh viên sau đây.
Nhóm các chuyên ngành liên quan đến quản trị:
- Quản trị kinh doanh
- Quản trị lữ hành
- Quản trị nguồn nhân lực
- Kinh doanh quốc tế
- Thương mại
- Ngoại thương
- Marketing
- …
Ngành này cung cấp kiến thức rất rộng và kĩ năng giúp bạn trở thành nhà quản trị trong tương lai. Như kinh doanh quốc tế, thương mại, ngoại thương và marketing thì các bạn sẽ được học sâu hơn về các môn chuyên ngành để từ đó có kiến thức căn bản phục vụ cho công việc sau này chứ không học kiến thức tổng quát như ngành quản trị.
Nhóm ngành tài chính: Học ngành này các bạn sẽ có các kiến thức kinh tế tài chính doanh nghiệp, quản trị tài chính các công ty đa quốc gia, tài chính quốc tế, hoạch định ngân sách vốn đầu tư, đầu tư chứng khoán, phân tích tài chính, hệ thống thông tin tài chính, thị trường chứng khoán, nghiệp vụ ngân hàng và bảo hiểm. Bạn sẽ tính toán được khả năng sinh lợi của dự án và đưa ra quyết định trong việc đầu tư; nhìn được hướng đi của dòng tiền trong tương lai và khả năng phân tích thị trường.
Kế toán và kiểm toán: Tùy các trường hai ngành này có thể gộp lại học tách ra. Tuy nhiên, công việc sau này của hai ngành này tương đối giống nhau. Cũng làm việc với sổ sách và các con số nhưng kiểm toàn là người kiểm tra công việc của người làm kế toán.
Q&A: câu hỏi tư vấn liên quan đến ngành kinh tế
Nhóm ngành Kinh tế – Kinh doanhHỎI: Em thì rất thích kinh tế nhưng ba mẹ lại không đồng ý vì ba mẹ nói kinh tế đang có rất nhiều người học, bốn năm nữa ra trường thì rất khó kiếm việc làm, dễ thất nghiệp. Vậy quan niệm này đúng hay sai? Cho em hỏi chuyên ngành quản trị kinh doanh là như thế nào, ra trường có dễ xin việc không?
TRẢ LỜI: Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế – Quản trị kinh doanh phụ thuộc nhiều vào sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta theo từng vùng, miền.
Do vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành nghề này trong thời gian tới cũng chưa thể đáp ứng kịp, như em đã thấy hiện nay có rất nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh và đào tạo các ngành này. Việc ra trường tìm việc làm dễ hay khó phụ thuộc rất nhiều vào kết quả học tập, kỹ năng, tính thích ứng của sinh viên khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, công ty trong quá trình phỏng vấn.
Về câu hỏi chuyên ngành Quản trị kinh doanh là như thế nào, nhà trường sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức chung về kinh tế quản trị doanh nghiệp, đặc biệt nắm sâu về các kiến thức quản trị học và quản trị các lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp như: quản trị cung ứng, quản trị dự án, quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính, quản trị marketing, quản trị bán hàng. . .
Khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp có thể trở thành các chuyên viên làm việc tại các phòng ban chức năng của doanh nghiệp như: phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, phòng marketing, phòng tổ chức nhân sự hoặc thư ký giúp việc cho các nhà quản lý các cấp trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp, các chuyên viên ở các phòng ban chức năng của doanh nghiệp. Họ cũng có thể trở thành các doanh nhân hay các giám đốc điều hành chuyên nghiệp ở tất cả các loại hình tổ chức kinh doanh trong nước và nước ngoài.
***
HỎI: Giáo trình đào tạo các ngành kinh tế ở những trường đào tạo có giống nhau? Chất lượng đào tạo giữa các trường ra sao? So với thế giới thì thế nào?
TRẢ LỜI: Hiện nay các trường đào tạo theo khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh đều phải tuân thủ theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và đào tạo, do đó có thể sử dụng giáo trình chung giữa các trường. Việc xem xét chất lượng đào tạo giữa các trường có tốt hay không em cần tham khảo thêm thông tin về đội ngũ giảng viên, bề dày truyền thống của từng trường và các thông tin khác mà theo qui định của Bộ Giáo dục và đào tạo các trường phải tuyên bố 3 công khai trên website của trường mình. Việc so với chất lượng đào tạo với các trường đại học của các nước khác phải tùy vào điều kiện hoàn cảnh của từng nước và khi học ra ứng dụng vào trong thực tế cuộc sống như thế nào thì lại là chuyện khác.
***
HỎI: Cho em hỏi sau 4 năm nữa các ngành về kinh tế sẽ còn nhu cầu nhân lực nữa không?
TRẢ LỜI: Em hỏi sau 4 năm nữa các ngành về kinh tế sẽ còn nhu cầu về nhân lực nữa hay không? Vậy xin hỏi lại sau 4 năm nữa nhu cầu của em trong việc sử dụng hàng hóa có thay đổi hay không? Có cần phải tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển, đẩy mạnh thu hút đàu tư nước ngoài hay không? . . .
Điều này lý giải một khi cần thúc đẩy mạnh việc phát triển kinh tế thì lúc đó nhu cầu về việc đào tạo các ngành thuộc khối kinh tế – quản trị kinh doanh vẫn còn có nhu cầu.
***
HỎI: Em thấy ngành Tài chính ngân hàng đang rất “hot”, thế nhưng điều em băn khoăn là nếu thời điểm này em dự thi thì trong tương lai cơ hội về việc làm sẽ như thế nào? Nếu em học ngành tài chính ngân hàng thì có thể làm việc trong các doanh nghiệp hay công ty được không?
TRẢ LỜI: Đúng như băn khoăn của em, việc chọn lựa ngành bây giờ nhưng phải sau 4 năm nữa em mới tốt nghiệp ra trường, liệu ngành đó còn phù hợp hay không?
Qua khảo sát của các trường, nhất là qua các hội nghị tổ chức cấp quốc gia và khu vực trong một vài năm gần đây, lĩnh vực kinh tế luôn được xem là lĩnh vực có nhu cầu cao về nhân lực trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Có thể kể các ngành, chuyên ngành như: tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, kinh tế thẩm định giá, kinh tế bất động sản, kinh tế lao động và QLNNL, thương mại, kinh doanh quốc tế, ngoại thương, du lịch, marketing… thu hút nhiều lao động.
Trong những năm qua, nhiều trường ĐH, CĐ đã được phép Bộ GD-ĐT mở thêm các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, trong đó rất nhiều trường có mở ngành tài chính – Ngân hàng, chứng tỏ như cầu của xã hội rất cao đối với ngành đào tạo này. Tốt nghiệp Tài chính – Ngân hàng em hoàn toàn có thể tự tin để làm việc trong các doanh nghiệp, công ty.
***
HỎI: Em là con trai nhưng rất thích học ngành kế toán, nhưng người ta nói ngành này chỉ phù hợp với nữ thôi vì vậy em rất phân vân không biết nên chọn ngành này (kế toán ) hay ngành quản trị kinh doanh (đây là ngành em không thích)? Với lại em nghe nói con trai học kế toán khó xin việc lắm phải không ?
TRẢ LỜI: Chuyên ngành kế toán đào tạo Cử nhân kinh tế nắm vững các chế độ tài chính – kế toán do Bộ Tài chính và Nhà nước ban hành; có kiến thức kế toán, kiểm toán và tài chính đủ khả năng tổ chức điều hành công tác kế toán, kiểm toán nội bộ và tài chính ở tất cả các loại hình doanh nghiệp; thực hành và hướng dẫn thực hiện công tác kế toán, kiểm toán nội bộ thủ công hay trên máy vi tính từ kế toán chi tiết đến kế toán tổng hợp và có khả năng nghiên cứu khoa học để phát triển và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế công tác. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp và các bộ phận chức năng kế toán, kiểm toán tại các Bộ, Ngành và các cơ quan nhà nước khác.
Từ mục tiêu đào tạo nói trên, chuyên ngành kế toán phù hợp mọi đối tượng, không phân biệt nam hay nữ. Đây là 1 ngành rất thu hút sinh viên đăng ký vào học, các năm qua sinh viên tốt nghiệp đều dễ dàng tìm việc làm thích hợp cho mình.
***
HỎI: Học ngành kinh tế đối ngoại sau khi ra trường có thể đảm nhận các công việc gì, ở phòng ban nào (cụ thể)? Ngành Kinh tế đối ngoại có yêu cầu cao về ngoại hình không?
TRẢ LỜI: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại có đủ năng lực, kiến thức làm việc tốt tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế từ trung ương đến địa phương như bộ/sở/ phòng/công thương và kế hoạch đầu tư, các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, Khu chế xuất, các viện nghiên cứu kinh tế; các doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp trong lãnh vực logistics, vận tải, giao nhận quốc tế; bộ phận kinh doanh, bộ phận tiêu thụ, bộ phận cung ứng, bộ phận marketing, PR, bộ phận kế hoạch, bộ phận xuất nhập khẩu… của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; phòng thanh toán quốc tế, bộ phận quản lý ngoại hối, bộ phận tín dụng xuất nhập khẩu… của các ngân hàng thương mại; các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Có thể đảm nhiệm vai trò trợ lý văn phòng hoặc quản lý kinh doanh trong các doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ở Việt Nam hoặc công ty Việt Nam ở nước ngoài, giảng dạy kinh tế đối ngoại/thương mại quốc tế ở các trường ĐH, CĐ,THCN hoặc có thể tự tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu. Ngành kinh tế đối ngoại không yêu cầu về ngoại hình.
***
HỎI: Khi học ngành xuất nhập khẩu thì em được học những gì, sau này ra trường sẽ làm những gì?
TRẢ LỜI: Khi học các chuyên ngành này em sẽ được trang bị các kiến thức chung về quản trị kinh doanh và kiến thức chuyên môn về thương mại quốc tế, kinh doanh quốc tế như: Thanh toán quốc tế, lập và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, marketing trong môi trường thương mại quốc tế, phân tích hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, luật pháp, …
Khi ra trường sinh viên có khả năng làm việc tại các phòng kinh doanh, phòng nghiệp vụ xuất nhập khẩu của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các công ty thương mại – tài chính – đầu tư, các công ty thương mại, các công ty xuất nhập khẩu, các văn phòng đại diện, các đơn vị dịch vụ, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng ngoại thương,…
***
HỎI: Xin cho em biết rõ hơn về chuyên ngành ngân hàng?
TRẢ LỜI: Chương trình đào tạo chuyên ngành Ngân hàng sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội và chuyên môn về tiền tệ – ngân hàng – thị trường chứng khoán tương xứng trình độ cử nhân kinh tế; huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp để sinh viên có thể tìm việc làm và đảm nhận công việc được giao trong ngân hàng (cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán, thanh toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ…), công ty chứng khoán (nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán), tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính – ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác.
Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận các công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Công thương VN, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT VN, Ngân hàng Ngoại thương VN, các ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh, Công ty Tài chính và các tổ chức tín dụng khác.
***
HỎI: Xin cho em biết đánh giá về tương lai cũng như triển vọng của ngành Marketing?
TRẢ LỜI: Ngành Marketing này sẽ cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về marketing và kiến thức chuyên môn để phân tích marketing, hoạch định và thực hiện các kế hoạch, chương trình marketing thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ, quản trị thương hiệu… Khi xã hội phát triển, các nhà sản xuất muốn giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng, tổ chức các kênh phân phối sản phẩm như thế nào,… cần thiết các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn phải có bộ phận markeing. Như vậy, xét về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển, thì triển vọng của ngành này sẽ không thể thiếu được.
***
HỎI: Ngành kinh tế, quản lý công và ngành Hệ thống thông tin quản lý học những gì, ra trường thì làm việc ở đâu?
TRẢ LỜI: Ở các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế (từ Trung ương đến địa phương), chuyên viên kinh tế và quản lý công có thể thực hiện một số công việc chủ yếu như:
Hoạch định phát triển kinh tế: Lập, thiết kế và thẩm định các chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, kế hoạch phát triển, chính sách phát triển, dự án phát triển và chương trình phát triển của toàn bộ nền kinh tế, vùng (địa phương)…
Dự báo phát triển kinh tế: sử dụng các phương pháp, công cụ hỗ trợ đưa ra các kết quả dự báo về định lượng, định tính hay xu thế phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn, ngắn hạn
Phân tích kinh tế: mô tả, tổng hợp, so sánh đối chiếu tình hình kinh tế, chiến lược và chính sách kinh tế, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống, tổ chức các quan hệ quốc tế cả trong quá khứ và hiện tại, từ đó đưa ra các đnáh giá và nhận định xác đáng phục vụ cho việc ra quyết định trong thời kỳ tiếp theo, hoặc kịp thời điều chỉnh một số chính sách hiện hành nếu cần.
Tổ chức và điều phối các hoạt động kinh tế: thiết kế mới hoặc hoàn thiện các hệ thống đã có như: hệ thống ra quyết định quản lý, hệ thống thông tin quản lý, chế độ thống kê báo cáo, phương án phối kết hợp giữa các cơ quan tổ chức (liên Bộ, liên ngành, liên vùng) và vận hành hệ thống này hoạt động.
Kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động kinh tế: sử dụng các luật, công cụ, phương pháp để theo dõi sự vận động của các hoạt động kinh tế cũng như sự vận hàng của hệ thống tổ chức kinh tế. Qua đó kịp thời phát hiện những khâu vướng mắc, tìm nguyên nhân và kịp thời có phương án, giải pháp khắc phục.
Nghiên cứu, tham mưu, cố vấn hay tư vấn về chính sách kinh tế, phương án tổ chức hệ thống kinh tế và hệ thống quản lý kinh tế theo yêu cầu trong phạm vi thẩm quyền cho phép.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế vả quản lý công có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Ủy ban nhà nước, Ban quản lý các dự án đầu tư, các dự án phát triển kinh tế xã hội, các Ủy ban nhân dân, sở, ban, ngành, phòng từ trung ương tới địa phương về lĩnh vực kinh tế …), hoặc làm việc cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các tổ chức, chương trình nghiên cứu, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; tham gia giải quyết các vấn đề về quy hoạch phát triển thành thị, nông thôn; các hoạt động công ích, các đoàn thể xã hội, hội nghề nghiệp, các ngành hành chính sự nghiệp, dịch vụ công (giáo dục, y tế, thể dục thể thao, quản lý đô thị, dịch vụ công cộng, giao thông vận tải, thương mại…)
***
HỎI: Xin cho em biết rõ hơn về ngành Quản trị du lịch.
TRẢ LỜI: Chuyên ngành QTKD Du lịch đào tạo Cử nhân kinh tế có kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế du lịch, quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn, cũng như trình độ thông thạo ngoại ngữ.
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp du lịch (hãng du lịch và lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và vui chơi giải trí liên hợp..), các cơ quan quản lý du lịch nhà nước (Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch..) và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu du lịch.
***
HỎI: Giữa quản trị kinh doanh và kế toán kiểm toán thì ngành nào ra dễ kiếm việc làm hơn?
TRẢ LỜI: Cơ hội việc làm của người lao động phụ thuộc vào năng lực nghề nghiệp của mỗi người. Năng lực nghề nghiệp là sự tổng hợp của kiến thức (kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức xả hội), kỹ năng, kinh nghiệm, các mối quan hệ xã hội, thái độ công việc, giá trị sống của mỗi người.
Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu nhận định của bản thân về điều bạn thực sự muốn chứ không phải dựa vào “thị trường việc làm” và nhóm nghề đang “hot”. Nếu không bạn có thể rơi vào hai sai lầm : một là, nhóm ngành nghề đang “hot” trong thị trường lao động hiện giờ sẽ không còn “hot” khi bạn ra trường vào 4 năm sau ; hai là, ngành nghề đang hot chưa chắc là phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện của bạn.
***
HỎI: Em rất muốn làm chủ doanh nghiệp nên rất quan tâm đến ngành tài chính, kinh tế. Xin hỏi các thầy em có thể học trường nào, ngành gì để có thể có kỹ năng và kiến thức xây dựng và quản lý doanh nghiệp như kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giao tiếp, thuyết trình… Xin chân thành cảm ơn.
TRẢ LỜI: Với ước mơ nghề nghiệp là trở thành chủ doanh nghiệp thì em có thể chọn ngành quản trị kinh doanh tổng hợp để theo học.ngành quản trị kinh doanh tổng hợp đào tạo những nhà quản lý, quản trị kinh doanh nắm vững các kiến thức về chức năng, quá trình kinh doanh và quản trị ở các doanh nghiệp, có kỹ năng nghề nghiệp cơ bản để vận dụng trong kinh doanh nói chung và thực hành tốt trong một số công việc chuyên môn thuộc lĩnh vực đào tạo. Có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo khi ra các quyết định kinh doanh, có khả năng tự học tập để thích ứng với môi trường kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế.các tố chất và kỹ năng cần thiết:
– Có khả năng giao tiếp, tư duy logic
– Có tính mạo hiểm, quyết đoán
– Sáng tạo và đổi mới, tầm nhìn xa trông rộng
– Có năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro
– Có đạo đức kinh doanh
– Kiến thức tự nhiên và xã hội vững vàng
***
HỎI: Hiện nay ngành quản trị kinh doanh có dễ xin việc làm? Giữa ngành này và ngành Tài chính ngân hàng ngành nào có cơ hội việc làm hơn? Để theo học ngành kinh tế thì cần có những tố chất gì để tìm công việc tốt?
TRẢ LỜI: Học tập để mai này có một việc làm tốt là yêu cầu rất chính đáng của người học, đồng thời tổ chức quá trình đào tạo như thế nào để sinh viên có việc làm, để sản phẩm đào tạo có thể tham gia tốt vào thị trường lao động cũng là nghĩa vụ của các trường đối với sinh viên của mình.
Cơ hội việc làm sau khi ra trường phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu xã hội về ngành đào tạo cụ thể, có sự phấn đấu rèn luyện của sinh viên và sự hỗ trợ của nhà trường đối với sinh viên tốt nghiệp. Cơ hội việc làm của các ngành trên là khá cao. Đế học tốt các ngành kinh tế, ví dụ như QTKD, bạn chú ý đến các yếu yếu tố như:
- Cần có kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội. Kiến thức chung này sẽ giúp cho những nhà quản trị tương lai có cái nhìn tổng thể bức tranh kinh tế – xã hội, từ đó có những quyết sách lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn và trong dài hạn. Đặc biệt, các hiểu biết về chính sách, kiến thức về pháp luật là hành trang không thể thiếu hằm phát triển doanh nghiệp đúng hướng, đúng pháp luật, đúng chiến lược đã vạch ra.
- Kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nghề nghiệp là rất cần, đặc biệt là khả năng quản lý, tiếp nhận và xử lý những thông tin vốn rất đa dạng, phong phú, có khi những thông tin này trái ngược nhau, rất khó xử lý. Có kiến thức chuyên môn để có đủ bản lĩnh trong tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
- Yếu tố nhạy bén trong giải quyết các tình huống phát sinh, biết tận dụng các cơ hội trong kinh doanh, biến cơ hội thành kết quả cụ thể là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong những tốt chất của người quản lý. Đặc biệt phải có đủ nhẫn nại, chịu đựng cần thiết để vượt qua những giai đoạn khó khăn chung của đất nước, của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn suy thoái, khủng hoảng, thách thức cần phải kiên trì để vượt qua.
- Có hoài bão và cũng biết chấp nhận rủi ro. Không phải lúc nào cũng thuận lợi, do đó quản trị rủi ro là rất cần thiết.
- Có sức khỏe tốt đủ để chịu đựng cường độ làm việc cao, áp lực cạnh tranh thường xuyên.
- Có đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, biết trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp và với cộng đồng.
***
HỎI: Công việc cụ thể của nhóm ngành marketing là gì ạ? Nội dung đào tạo như thế nào? Điều kiện, đầu ra?
TRẢ LỜI: Ngành Marketing có 2 chuyên ngành: Marketing tổng hợp và Quản trị thương hiệu.
Chuyên ngành Marketing tổng hợp: Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về Marketing và kiến thức chuyên môn để phân tích Marketing, hoạch định và thực hiện các kế hoạch, chương trình Marketing thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ…
Sinh viên có các kỹ năng sau:
– Phân tích, dự báo nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược thị trường.
– Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu hành vi, nhu cầu khách hàng, tổ chức hệ thống thông tin Marketing.
– Nghiên cứu, hoạch định chiến lược marketing.
– Quản lý tổ chức thực hiện kế hoạch Marketing – mix như kế hoạch phát triển sản phẩm, kế hoạch phân phối, kế hoạch truyền thông Marketing. Tổ chức thực hiện các hoạt động quan hệ khách hàng.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường chủ yếu làm việc ở các bộ phận marketing, bộ phận kinh doanh… của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hoặc làm việc tại các công ty dịch vụ marketing như: quảng cáo, tổ chức sự kiện, nghiên cứu thị trường…
Chuyên ngành Quản trị thương hiệu: Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về Marketing, kiến thức chuyên môn về thương hiệu và quản trị thương hiệu.
Sinh viên có các kỹ năng sau:
Có khả năng nghiên cứu và phân tích thông tin Marketing. Lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu trong doanh nghiệp như xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, định vị thương hiệu, quảng bá thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, khai thác thương hiệu, quản lý nhãn hàng…
Sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh – thương mại, có khả năng quản lý một nhãn hàng cho dòng sản phẩm, quản lý thương hiệu, hoặc làm việc tại các công ty dịch vụ hỗ trợ quảng bá thương hiệu như thiết kế hệ thống nhận dạng thương hiệu, dịch vụ quảng bá thương hiệu…
Điều kiện đầu ra về chuyên môn theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có trình độ tiếng Anh căn bản theo chuẩn TOEIC tối thiểu 405 điểm sau khi tốt nghiệp. Có khả năng sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp được đào tạo.
***
HỎI: Để theo học khối ngành kinh tế thì điều cần thiết nhất là gì? Giữa ngành quản trị kinh doanh và ngành ngân hàng thì ngành nào có cơ hội việc làm tốt hơn? Có phải người học ngành này phải có tính quyết đoán và mạnh mẽ không?
TRẢ LỜI: Để theo học khối ngành kinh tế thì điều cần thiết nhất đó là bạn phải có tố chất quản lý, kinh doanh. Mỗi thí sinh khi quyết định thi vào nhóm ngành kinh tế nên xét lại xem mình có những tố chất quản lý, kinh doanh hay không bằng cách tham khảo thông tin về trắc nghiệm tính cách và chọn nghề nghiệp, gặp gỡ trò chuyện với những người làm trong nghề…
Trên thị trường lao động, cơ hội việc làm của mỗi người phụ thuộc vào năng lực nghề nghiệp. Năng lực nghề nghiệp là tổng hợp các yếu tố: kiến thức (kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức xã hội), kỹ năng, kinh nghiệm, các mối quan hệ xã hội, thái độ công việc, mục tiêu nghề nghiệp, giá trị sống của mỗi người. Bạn chuẩn bị tốt năng lực nghề nghiệp trong quá trình học ở trường thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
***
HỎI: Xin cho hỏi chuyên ngành tài chính doanh nghiệp và ngân hàng có sự khác biệt nào? Nếu vào ngành ngân hàng em sẽ được đào tạo những gì? Sau khi ra trường em có thể làm ở những lĩnh vực nào?
TRẢ LỜI: 2 chuyên ngành trên thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng. Về mục tiêu đào tạo và cơ hội việc làm của 2 chuyên ngành trên như sau:
Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp: cung cấp cho người học kiến thức chung về thị trường tài chính và kiến thức chuyên môn về tài chính doanh nghiệp như: Phân tích tài chính, hoạch định chiến lược tài chính và quản trị tài chính. Khi ra trường sinh viên có thể đảm nhận chức danh chuyên viên ở các bộ phận khác nhau trong ngân hàng, doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh tài chính.
Chuyên ngành Ngân hàng: Cung cấp cho người học kiến thức chung về thị trường tài chính – tiền tệ và kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ ngân hàng thương mại, quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro tài chính. Khi ra trường sinh viên có thể đảm nhận chức danh chuyên viên ở các bộ phận khác nhau trong ngân hàng thương mại.
***
HỎI: Ngành kế hoạch và đầu tư là ngành như thế nào, khi ra trường có dễ tìm được việc làm không?
TRẢ LỜI: Chuyên ngành Kinh tế Kế hoạch và Đầu tư trang bị cho sinh viên kiến thức tổng hợp về kinh tế và quản lý để:
– Có kiến thức tổng hợp, nhận dạng được cấu trúc và xu hướng phát triển kinh tế – xã hội ở tầm vĩ mô.
– Có khả năng đánh giá, phân tích các chiến lược, các kế hoạch, chương trình phát triển, các chính sách vĩ mô.
– Có khả năng xây dựng và quản trị các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển trong phạm vi công tác.
Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại:
– Các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, ủy ban nhà nước, các ủy ban nhân dân…).
– Các Viện nghiên cứu, Trường đại học khối kinh tế – quản trị kinh doanh.
– Các khu công nghiệp, khu chế xuất.
– Các Tổng công ty, các doanh nghiệp.
– Các tổ chức, chương trình nghiên cứu, hỗ trợ phát triển.
***
HỎI: Em nghe nói ngành quản trị kinh doanh “cái gì cũng biết mà thật ra chẳng biết cái gì”. Có phải thế không ạ?
TRẢ LỜI: Thông tin em nghe nói là không chính xác. Việc có thông tin đó là do người học không hiểu đặc điểm đào tạo của ngành quản trị kinh doanh hoặc do trường đào tạo chưa có chất lượng hoặc do sinh việc học tập, rèn luyện không tốt dẫn đến có những thông tin trên.
***
HỎI: Nếu em học ngành kiểm toán thì có cơ hội làm trong lĩnh vực quản trị du lịch không ạ?
TRẢ LỜI: Kiểm toán là một chuyên ngành thuộc ngành kế toán. Khi em tốt nghiệp chuyên ngành này em có thể công tác trong bất cứ lĩnh vực nào, ngay cả trong lĩnh vực quản trị du lịch.
***
HỎI: Học ngành luật kinh doanh ra trường sẽ làm những công việc gì?
TRẢ LỜI: Chuyên ngành Luật kinh doanh đào tạo Cử nhân luật có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý; có kỹ năng chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh, đồng thời có kiến thức cơ bản về kinh tế, quản trị kinh doanh, đủ khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Sinh viên được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, phát triển doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thực hiện chức năng của chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có thể độc lập đưa ra các đề xuất giải quyết các tình huống pháp lý trong kinh doanh, nắm vững các thao tác nghiệp vụ khi doanh nghiệp tham gia vào các vụ tố tụng phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp, các Toà kinh tế thuộc hệ thống Toà án nhân dân, các Trung tâm trọng tài thương mại, các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý.
***
HỎI: Chất lượng đào tạo ngành tài chính-ngân hàng của các trường có giống nhau không? Khi xin việc công ty có phân biệt mình tốt nghiệp trường nào không?
TRẢ LỜI: Dù trường nào đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng phần chung đều tuân thủ theo đúng chương trình khung theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn phần riêng tùy theo đặc điểm của từng trường có thể bố trí các học phần theo thế mạnh của từng trường.
Như vậy, sau khi tốt nghiệp các nhà tuyển dụng chủ yếu sẽ dựa vào năng lực học tập, các kỹ năng các em đã được trang bị và tự trang bị, khả năng làm việc nhóm, . . . để tuyển chọn qua hồ sơ và phỏng vấn. Chào em.
***
HỎI: Em rất thích và đam mê làm kinh tế. Em dự định sẽ thi vào ngành quản trị kinh doanh. Em nghe nói muốn học ngành này thì phải giỏi khối A. Nhưng em lại học tốt các môn khối C. Vậy em có nên theo học ngành này không ạ?
TRẢ LỜI: Đầu tiên em nên xác định lại, bản thân mình có phù hợp với khối ngành kinh tế hay không. Nếu em xác định mình phù hợp với nhóm ngành kinh tế thì em có thể đăng ký dự thi vào các trường có đào tạo ngành quản trị kinh doanh tuyển sinh đầu vào bằng khối D (ngành quản trị kinh doanh không tuyển sinh đầu vào bằng khối C).
***
HỎI: Quản trị khách sạn nhà hàng và Quản trị nhà hàng có khác nhau?
TRẢ LỜI: Rất nhiều trường đào tạo về quản trị khách sạn nhà hàng nhưng tên gọi lại không thống nhất. Tuy nhiên các trường đào tạo xuất phát từ mã ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT. Trước đây ngành này nằm trong ngành QTKD, sau đó mới tách ra.
***
HỎI: Em muốn làm luật sư của một công ty, phải thi vào trường nào?
TRẢ LỜI: Tất cả các trường đào tạo đều chỉ đào tạo cử nhân luật. Muốn làm luật sư phải đăng ký học nghề luật trong 6 tháng và đăng ký thực tập 18 tháng ở một văn phòng luật sư. Sau đó, mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu muốn làm luật dân dự cho doanh nghiệp có thể học luật kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên các ngành luật khác cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp.
***
HỎI: Kế toán kiển toán là ngành chung hay riêng?
TRẢ LỜI: Kế toán làm công việc kế toán. Kiểm toán là kiểm tra công việc của người làm kế toán. Chương trình 5 phần thì 4 phần là kế toán và 1 phần kiểm toán. Tùy trường, hai ngành này gộp chung hoặc tách riêng ra thành hai ngành. Có thể làm việc về kế toán ở các công ty, kiểm toán đầu việc ít hơn có thể làm ở các công ty kiểm toán nhà nước hoặc các công ty kiểm toán tư nhân.
***
HỎI: Ngành ngân hàng có nhiều cơ hội việc làm không?
TRẢ LỜI: Trước chọn ngành, sau mới chọn trường. Ngân hàng là ngành luôn thu hút rất đông thí sinh. Ngành ngân hàng: cần kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, vi tính, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp phải rất cao. Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở các ngân hàng nhà nước, tư nhân hay liên doanh.
***
HỎI: Ngành kinh doanh quốc tế cơ hội việc làm tốt không, cơ hội thăng tiến? Tỷ lệ chọi ngành này cao không?
TRẢ LỜI: Dù tốt nghiệp kinh tế quốc tế, thương mại, marketing… khi tốt nghiệp đều ghi ngành Quản trị kinh doanh. Trong bảng điểm mới ghi chuyên ngành. Nếu các bạn học tốt, kỹ năng tốt thì sẽ có việc làm và hưởng được mức lương tương xứng.
Tỷ lệ chọi không hề có ý nghĩa gì trong tuyển sinh. Chẳng hạn khối y dược 1 chọi 3 nhưng điểm chuẩn luôn 25, 26 trong khi nhiều trường 1 chọi 20 nhưng điểm chuẩn chỉ khoảng 15. Vấn đề là chúng ta xác định mình thi đấu với ai. Tỷ lệ chọi chỉ có yếu tố tham khảo.
***
HỎI: Rụt rè có thể học ngành quan hệ công chúng được không?
TRẢ LỜI: Ngành này có nhiều mảng và nhiều công việc khác nhau. Người rụt rè cũng có thể học được nhưng có thể làm công vệc hậu trường. Tuy nhiên trong quá trình học các bạn sẽ được thực hành thực tập, tiếp xúc với nhiều người khác nhau nên nhiều khả năng sự rụt rè sẽ không còn nữa, các bạn sẽ trở thành người hoạt bát.
***
HỎI: Ngành kinh doanh quốc tế là gì? Giữa ngành thương mại quốc tế và kinh doanh quốc tế có giống nhau? Cơ hội việc làm của hai ngành như thế nào?
TRẢ LỜI: Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH,CĐ, ngành kinh doanh quốc tế thuộc nhóm ngành kinh doanh. Đây là ngành học sẽ cung cấp người học kiến thức chung về quản trị kinh doanh và kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh doanh quốc tế như đầu tư quốc tế, logistic và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing quốc tế, hoạch định chiến lược kinh doanh quốc tế…
Ở một số trường, kinh doanh quốc tế và thương mại quốc tế là chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh tổng hợp. Do đó, khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành gần như giống nhau và chỉ khác nhau ở khối kiến thức chuyên ngành (kiến thức chuyên ngành thương mại quốc tế được đào tạo chuyên sâu về: thanh toán quốc tế, lập và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, marketing trong môi trường thương mại quốc tế, phân tích hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, luật kinh doanh quốc tế…)
SV tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế có thể làm việc tại các phòng kinh doanh, phòng nghiệp vụ xuất nhập khẩu các đơn vị sản xuất kinh doanh, công ty thương mại,công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện, đơn vị dịch vụ, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng ngoại thương, tập đoàn đa quốc gia, công ty kiểm toán quốc tế, công ty phân phối, hiệp hội ngành nghề cũng như các tổ chức nghiên cứu, trường ĐH trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế.
***
HỎI: Có khả năng tư duy tốt, sáng tạo và thích các ngành kinh doanh – kinh tế thì nên theo ngành nghề nào để thích hợp? Học xong ngành kinh doanh sẽ làm được nghề gì?
TRẢ LỜI: Với khả năng tư duy tốt, sáng tạo, bạn có thể phù hợp với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Nhóm ngành kinh doanh gồm các ngành như quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, kinh doanh/thương mại. Nhóm ngành kinh tế gồm các ngành kinh tế, kinh tế quốc tế, kinh tế và quản lý công. Cả hai nhóm ngành này đều phù hợp với người có khả năng về kinh doanh, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý…
Một số vị trí tuyển dụng: nhân viên kế hoạch đầu tư, nhân viên bộ phận nhân sự, nhân viên bán hàng, nhân viên tổ chức hành chính, nhân viên bộ phận kế hoạch bán hàng, nhân viên phát triển hệ thống, nhân viên kinh doanh, nhân viên xuất nhập khẩu…
***
HỎI: Em thích học ngành quản trị nhân lực. Ngành này ra trường có thể làm những việc gì, ở đâu?
TRẢ LỜI: Ngành này đào tạo các kiến thức liên quan đến hệ thống các văn bản pháp luật lĩnh vực lao động, hành chính; hợp đồng lao động; chế độ bảo hiểm; quy trình đánh giá nhân lực, quản trị nhân sự, tuyển dụng vào đào tạo nhân lực, các nguyên lý quản trị kinh tế…
Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở bộ phận hành chính, nhân sự, tiền lương ở các đơn vị. Ngoài ra, có thể làm chuyên viên tuyển dụng, tư vấn nhân sự hoặc bộ phận đào tạo, phát triển nhân sự…
***
HỎI: Học chuyên ngành tài chính doanh nghiệp sau khi ra trường sẽ là những công việc cụ thể nào?
TRẢ LỜI: Học chuyên ngành tài chính doanh nghiệp sẽ được trang bị những kiến thức chung về thị trường tài chính và kiến thức chuyên môn về tài chính doanh nghiệp như: phân tích tài chính, hoạch định chiến lược tài chính và quản trị tài chính. Khi ra trường sinh viên có thể đảm nhận chức danh chuyên viên ở các bộ phận khác nhau trong ngân hàng, doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh tài chính.
***
HỎI: Có phải học ĐH ngân hàng là chỉ làm việc ở ngân hàng?
TRẢ LỜI: Việc làm sau khi ra trường hiện tại chỉ mang khái niệm tương đối. Tất cả doanh nghiệp, đơn vị có rất nhiều bộ phận khác nhau do đó cần nhiều loại lao động khác nhau. Ví dụ một công ty sản xuất ngoài tuyển kỹ sư vẫn phải tuyển thêm nhân viên hành chính – văn phòng, nhân viên công nghệ thông tin, nhân viên kế toán… Như vậy không nhất thiết học ngân hàng sẽ làm việc ở ngân hàng. Bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp có giao dịch thường xuyên với ngân hàng.
***
HỎI: Ngành Tài chính ngân hàng hiện nay đang thu hút rất nhiều bạn trẻ bởi triển vọng và cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường của ngành này rất tốt. Tuy nhiên em có thắc mắc là với tình hình người người học Tài chính ngân hàng như hiện nay, sau khoảng 5 năm nữa (thời điểm em tốt nghiệp ĐH), nhu cầu nhân lực của ngành Tài chính ngân hàng nói riêng và các ngành thuộc lĩnh vực Kinh tế nói chung có bị bão hòa không? Triển vọng và cơ hội nghề nghiệp của ngành này có còn tốt như ở thời điểm hiện nay không?
TRẢ LỜI: Đúng là ngành Tài chính ngân hàng hiện đang “hút” người học. Và những thí sinh có nguyện vọng học ngành này đều có lực học khá trở lên. Bởi, điểm chuẩn ngành này mấy năm gần đây không hề thấp. Để có câu trả lời về triển vọng ngành này trong tương lai thì chưa có câu trả lời chính xác được. Do chúng tôi không phải là cơ quan dự báo nhân lực lao động của ngành tài chính, ngân hàng, vì vậy không thể dự báo khả năng sử dụng nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng sau 5 năm nữa biến động như thế nào.
Một lời khuyên với bạn, việc chọn trường dự thi dựa trên năng lực của bản thân mình. Do vậy, nếu học tốt thì “đầu ra” cũng sẽ có nhiều cơ hội.
***
HỎI: Cơ hội việc làm của ngành quản trị – luật ?
TRẢ LỜI: Mục tiêu đào tạo của ngành quản trị – luật nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và nhà tư vấn. Sinh viên ngành này có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý. Đây là ngành học mới được đào tạo. Sinh viên ngành này ra trường có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: dịch vụ công, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn kinh doanh…
***
HỎI: Học ngành Quản trị nguồn nhân lực thì có thể làm được việc gì, ở đâu?
TRẢ LỜI: Quản trị nguồn nhân lực là một chuyên ngành của Quản trị kinh doanh, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nguồn nhân sự có chất lượng cao, am hiểu sâu chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực quản lý nguồn nhân lực, nhất là trong các doanh nghiệp. Người học được trang bị các kỹ năng về phân tích, đánh giá các mặt liên quan đến quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức, có khả năng xây dựng và tổ chức các hoạt động lao động của một tập thể trong các doanh nghiệp, nắm chắc và vận dụng đúng đắn các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người lao động trong lĩnh vực lao động – tiền lương.
Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Chủ yếu làm việc ở các phòng Tổ chức Hành chính, Nhân sự, Lao động – Tiền lương trong các cơ quan doanh nghiệp. Có thể công tác tại các cơ quan Trung ương và địa phương, trong các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học và các trường ĐH, CĐ về lĩnh vực quản lý con người trong lao động.
***
HỎI: Xin cho biết chuyên ngành Kinh doanh bất động sản đào tạo những nội dung gì, cơ hội việc làm ra sao?
TRẢ LỜI: Ngành Quản trị kinh doanh Bất động sản đào tạo cử nhân có kiến thức khoa học về quản lý, kinh doanh và nghiệp vụ quản trị kinh doanh bất động sản, có kỹ năng thực hành các tác nghiệp trong kinh doanh và quản lý bất động sản, năng động, sáng tạo và có khả năng khởi nghiệp. Các kỹ năng cần đạt được sau khi được đào tạo: Xây dựng, thiết kế các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, tổ chức triển khai thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh bất động sản, tác nghiệp quản lý vận hành các công trình bất động sản, xây dựng và hoạch định các cơ chế, chính sách về kinh doanh và thị trường bất động sản.
Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty kinh doanh địa ốc, các công ty tư vấn nhà đất, các công ty xây dựng, các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các ngân hàng, các công ty quản lý vận hành các công trình bất động sản: các tóa nhà trung tâm thương mại, văn phòng; các khách sạn; các khu chung cư cao cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước về bất động sản từ trung ương đến địa phương thuộc các ngành xây dựng, tài chính, quản lý đất đai; các văn phòng đăng ký đất đai – bất động sản, các trường ĐH, CĐ và TCCN và các viện nghiên cứu.
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Top 6 ứng dụng chụp ảnh 360 độ trên điện thoại chuyên nghiệp
- Share Acc VIP 4Share, chia sẻ tài khoản 4share Vip – Phần mềm FREE
- Cách chuyển tiếp tin nhắn đến Sđt khác trên iPhone và Mac Thủ thuật
- Giá lấy nhân mụn tại spa bao nhiêu tiền?
- Nên mua laptop ở đâu uy tín? 6 Cách đánh giá và 9 địa chỉ mua laptop uy tín | friend.com.vn