Cùng Phượt – Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Xứ Lạng không chỉ được biết đến là miền biên giới xa xôi của Tổ quốc, nơi chứng kiến bao chiến công hiển hách của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn nổi tiếng là một vùng sơn thủy hữu tình, một miền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng với hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc. Cùng với khí hậu mát mẻ của vùng núi Mẫu Sơn đã thu hút được rất nhiều du khách trong vài năm gần đây, du lịch Lạng Sơn đang kỳ vọng sẽ có một bước đột phá để phát triển và đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương. Nếu thích trải nghiệm, các bạn hoàn toàn có thể gia nhập vào các team phượt Lạng Sơn của các bạn trẻ, nếu thích nhẹ nhàng hơn các bạn có thể tìm đến những tour du lịch tâm linh hay tìm hiểu về văn hóa lịch sử ở Lạng Sơn. Hình thức nào cũng sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm rất lạ và hay.
Giới thiệu chung về Lạng Sơn
Đâu đó ở Lạng Sơn (Ảnh – September Đi)
Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như tỉnh Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Mặt khác, có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác…
Lạng Sơn là một tỉnh có lợi thế lớn về phát triển ngành du lịch, bởi sự kết hợp phong phú, hài hoà giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, lịch sử và con người. Lạng Sơn là vùng biên giới, cửa khẩu ở phía Bắc nước ta, lại nằm trên đường giao thông hết sức thuận lợi nối với thủ đô Hà Nội, thường xuyên thu hút khách du lịch tham quan, giao lưu, trao đổi, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, thiên nhiên đã ban tặng cho Lạng Sơn nhiều hang động, núi rừng tự nhiên và phong cảnh đẹp với khí hậu mùa hè mát mẻ, dễ chịu, được coi là một điểm nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng đối với các du khách từ xa đến như động Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi nàng Tô Thị, khu du lịch Mẫu Sơn… Lạng Sơn còn là nơi nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử như ải Mục Nam Quan, ải Chi Lăng, Thành nhà Mạc đã bao lần chứng kiến các trận đánh đuổi quân xâm lược trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước, hay với nền văn hoá Bắc Sơn, căn cứ Cách mạng Bắc Sơn. Con người cần cù mến khách cùng với các lễ hội, truyền thống văn hoá làm cho Lạng Sơn luôn là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách thập phương
Nên du lịch Lạng Sơn vào thời điểm nào?
Thành phố Lạng Sơn (Ảnh – Đặng Ngọc Lâm)
Để có chuyến đi du lịch Lạng Sơn vui vẻ và an toàn, các bạn chỉ cần lưu ý nếu đến Lạng Sơn vào mùa mưa bão (tương đương khoảng thời gian hè của miền Bắc) thì cần theo dõi dự báo thời tiết để tránh đi vào những dịp mưa to gây ngập lụt và sạt lở đường.
- Chọn thời tiết mùa hè để nghỉ ngơi hoặc mùa đông nếu bạn muốn ngắm tuyết là thời điểm phù hợp nếu bạn lựa chọn du lịch mẫu sơn.
- Tháng Giêng (âm lịch) nếu bạn muốn tham gia các lễ hội đặc sắc của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn như : Lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa …
- Cuối tháng 8 đầu tháng 9 nếu bạn muốn lên Lạng Sơn thưởng thức đặc sản “na đu dây” Chi Lăng
- Khoảng cuối tháng 7 và cuối tháng 11 là mùa lúa chín Bắc Sơn, các bạn chú ý mốc thời gian này. Lúc này đi Bắc Sơn săn ảnh lúa vàng thì đẹp thôi rồi.
Hướng dẫn đi tới Lạng Sơn
Quốc lộ 4 đi Lạng Sơn (Ảnh – Glenn Phillips)
Phương tiện công cộng
Đường bộ
Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội khoảng 180km về hướng Đông Bắc và được nối với thủ đô bằng con đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Xe khách từ Hà Nội đi Lạng Sơn chạy thường xuyên trong ngày từ bến xe Mỹ Đình, nếu không muốn đi xe khách hoặc đơn giản muốn kết hợp phượt Lạng Sơn với một vài địa điểm khác như Cao Bằng thì bạn nên chạy xe máy từ Hà Nội, thời gian chạy xe khoảng 4-5 tiếng tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của nhóm bạn.
Đường sắt
Từ ga Hà Nội hàng ngày đều có tàu đi Đồng Đăng, chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội lúc 7h05, dừng ở Tp Lạng Sơn lúc 11h20 và chặng cuối cùng ở Đồng Đăng là 11h40. Với những bạn không đi được ô tô có thể lựa chọn phương án đi bằng tàu hỏa này.
Phương tiện cá nhân
Với phương tiện cá nhân, các bạn chỉ mất khoảng từ 4-5 tiếng để tới Lạng Sơn, tùy thuộc vào địa điểm bạn lựa chọn. Từ Hà Nội các bạn chỉ cần đi qua cầu Phù Đổng rồi đi thẳng theo đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, quãng đường khoảng 180km. Nếu đi Mẫu Sơn thì sau khi lên tới Tp Lạng Sơn, các bạn cần đi thêm khoảng 20km nữa.
Đi lại ở Lạng Sơn
Taxi
Đây là phương tiện di chuyển phổ biến ở hầu khắp các địa phương, các bạn nếu đi theo nhóm đông có thể sử dụng chung taxi để làm phương tiện di chuyển, chia ra theo đầu người thì không cao. Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn đến một số địa điểm như Mẫu Sơn hay khu vực các cửa khẩu cũng khá gần, sử dụng taxi cũng khá thuận lợi.
Thuê xe máy ở Lạng Sơn
Nếu chỉ lên du lịch ở Lạng Sơn bạn có thể lựa chọn phương án đi xe khách lên và thuê xe máy ở Tp Lạng Sơn, các địa điểm thuê xe máy bạn có thể hỏi ngay tại khách sạn nơi mình ở (bạn nào có thông tin về các địa điểm thuê xe máy ở Lạng Sơn vui lòng gửi giúp bọn mình về địa chỉ [email protected])
Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Lạng Sơn (Cập nhật 9/2021)
Lưu trú ở Lạng Sơn
Hệ thống khách sạn nhà nghỉ tại Lạng Sơn đủ khả năng tải một lượng lớn du khách (Ảnh – Alessandro Pereno)
Khách sạn nhà nghỉ ở Lạng Sơn
Hệ thống khách sạn nhà nghỉ ở Lạng Sơn khá đa dạng và phong phú để cho bạn lựa chọn, tại Tp Lạng Sơn và khu du lịch Mẫu Sơn có nhiều nhà nghỉ chất lượng chấp nhận được và giá cả rẻ, tại những huyện khác tuy không có nhiều sự lựa chọn nhưng các bạn cũng có thể nghỉ tại nhà khách UBND các huyện đó.
Một số khách sạn tốt ở Lạng Sơn
Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ tại Lạng Sơn (Cập nhật 9/2021)
Homestay ở Lạng Sơn
Là một tỉnh miền núi vùng Đông Bắc với nhiều truyền thống văn hóa lâu đời, Lạng Sơn có những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc miền sơn cước, đặc biệt là văn hoá đặc sắc của người Tày – Nùng. Trên cơ sở những điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, cơ sở vật chất thuận lợi, mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng homestay ở Lạng Sơn đã được dần hình thành, tập trung chủ yếu tại xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn. Đặc biệt trong một vài năm trở lại đây, cùng với lượng du khách đổ về Bắc Sơn mỗi dịp lúa chín, các hình thức du lịch cộng đồng này cũng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo để níu giữ khách khi tới Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung.
Một số homestay tốt ở Lạng Sơn
Xem thêm bài viết: Homestay ở Lạng Sơn (Cập nhật 9/2021)
Các địa điểm du lịch ở Lạng Sơn
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Xứ Lạng không chỉ được biết đến là miền biên giới xa xôi của Tổ quốc, nơi chứng kiến bao chiến công hiển hách của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn nổi tiếng là một vùng sơn thủy hữu tình, một miền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Thành phố Lạng Sơn
Chùa Tiên – Giếng Tiên
Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên: Cách cầu Kỳ cùng khoảng nửa cây số, trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đó là núi đại tượng, nơi đây có động Chùa Tiên, là một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ đã ghi nhận. Động Chùa Tiên Nằm ngang chừng núi, lối lên có 64 bậc, cửa phụ quay về hướng đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ thu thuỷ.
Chùa Tiên có tên chữ Song Tiên tự, do dân làng Phai Luông lập thời vua Lê Thánh Tông trên núi Đại Tượng cạnh giếng Tiên. Sau này chùa bị hư, người ta mới chuyển vào động núi Đại Tượng như hiện nay.
Chùa Tiên phối thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong. Nơi đây còn lưu giữ một hệ thống văn bia phong phú của các văn nhân, thi sĩ, trong đó có bài “Trấn doanh bát cảnh” do Ngô Thì Sỹ cảm tác ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên xứ Lạng. Hàng năm chùa Tiên mở hội ngày 18 tháng Giêng âm lịch, cùng với chùa Nhị Thanh – Tam Giáo (15 – 17 tháng Giêng âm lịch) và Tam Thanh (15 tháng Giêng âm lịch) tạo nên một dịp trẩy hội đông vui.
Đằng sau núi Voi – Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.
Đền Kỳ Cùng
Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa.
Lịch sử của Đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc – ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải. Vì vậy mới có tục lệ vào ngày lễ hội đền Kỳ Cùng (cũng từ ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng âm lịch giống như đền Tả Phủ), phải có lễ rước kiệu ông lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ để tạ ơn và hầu chuyện Thân Công Tài. Điều này giải thích cho sự liên quan mật thiết của hai lễ hội đền Kỳ Cùng – T Phủ.
Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại.
Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân thành phố Lạng Sơn, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Lạng Sơn
Thành nhà Mạc
Thành Nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn, là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam. Theo những tư liệu còn lại thì thành là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam đo Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI làm căn cứ chống lại Lê – Trịnh.
Dấu tích hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa.
Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại. Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp.
Những đoạn thành đứt quãng không đều nhau, cao thấp không bằng nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha một chút xám. Đất bên dưới thì màu đỏ sậm lẫn một ít sạn sỏi nhỏ.
Động Nhị Thanh – Chùa Tam Giáo
Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sĩ khám phá và tôn tạo khi ông làm Quan Đốc Trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780. Ông là một bậc hiền thánh đã có công lao to lớn trong việc mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất. Trong thời gian ngao du sơn thuỷ trong vùng, Ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho hưng công xây dựng chùa Tam Giáo, Đình duyệt quân, Thạch miên am, Thụy tuyền hiên, Trai táo. Ngô Thì Sĩ bắt đầu cho tiến hành việc tôn tạo từ tháng Trọng Thu năm Kỷ Hợi (tức tháng 5 năm 1779 âm lịch) đến tháng Mạnh Thu (tức tháng 7) cùng năm thì hoàn thành.
Ngô Thì Sĩ là người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Khi đỗ đạt làm quan, để tưởng nhớ đến quê hương, Ông đã dùng hai chữ Thanh của quê hương đặt cho tên hiệu của mình là: Nhị Thanh Cư Sĩ và sau này khi phát hiện ra động Nhị Thanh, Ông đã dùng chính tên hiệu của mình đặt tên cho động, chính vì vậy mà động có tên gọi là động Nhị Thanh. Tại đây, người xưa đã khắc chân dung Ngô Thì Sĩ trên hốc đá nhỏ ở độ cao 8m trong tư thế Kiết Già ngồi dựa vào vách đá giống như người thật của ông. Đây là bức chạm khắc chân dung có giá trị nghệ thuật độc đáo được tạo tác vào đá nhưng không làm mất đi vẻ mềm mại của thân thể (trong bia Ma Nhai Bài Ký Động Nhị Thanh nói rõ về điều này). Ngày nay nhằm báo đáp công ơn của Ngô Thì Sĩ, nhân dân trong vùng đã cho xây dựng ban thờ Ông ngay trong động Nhị Thanh.
Ngày 28 tháng 7 năm 1779 âm lịch, Ngô Thì Sĩ tổ chức mở hội tại nơi đây, trên chùa Tam Giáo thì tế lễ, trong động Nhị Thanh tổ chức ăn uống, ca hát, múa rối nước và các trò diễn khác trong 7 ngày 7 đêm. Trong bia Ma Nhai “Bài ký động Nhị Thanh” có ghi về việc này như sau: Đêm đầu mở hội có một con hổ to như con bò đến gần sân khấu hang Thông Thiên vòng quanh đàn lễ rồi đi không thấy quay trở lại, nên dân chúng ban đêm không còn sợ hãi nữa; lại có một con Giao Long, râu và đuôi đều đỏ vào phường múa rối nước như muốn xem trò, đuổi cũng không đi, khi các trò diễn kết thúc thì không thấy đâu nữa nên mọi người dự hội ai cũng cho là lạ. Sau đó Ngô Thì Sĩ đã cho tạc tượng Hổ ở bên phải và tượng Giao Long ở bên trái trước cửa động Nhị Thanh để ghi nhớ hai con vật linh thiêng.
Phía bên phải động Nhị Thanh là chùa Tam Giáo (Tam Giáo Tự). Ngô Thì Sĩ cho rằng đạo là một mà thôi, Phật – Lão chỉ khác tên nhưng nội dung đều là Nho cả. Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca tuy tên là ba nhưng thực đạo đều thống nhất là một. Chính vì vậy Ông đã đưa 3 đạo vào thờ chung một chùa và gọi là chùa Tam Giáo.
Chùa Tam Giáo còn là một loại hình kiến trúc đặc biệt: Không có mái, không có nhà, ban thờ được đặt trong các hang, hốc đá làm cho ta có cảm giác thiên tạo với những nhũ đá kỳ vĩ càng tạo nên sự linh thiêng của ngôi chùa. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Công Đồng, Cung Tam Tòa Thánh Mẫu, Cung Sơn Trang, Cung Tam Bảo…
Bên trái chùa Tam Giáo là đường vào động Nhị Thanh và suối Ngọc Tuyền trong vắt ẩn hiện dưới lùm cây trông thật nên thơ hữu tình. Phía ngoài động trên cao có dòng chữ Hán “Nhị Thanh Động” với khổ chữ lớn khắc chìm vào vách đá. Vào phía trong động trên vách bên phải là hệ thống bia Ma Nhai với 20 văn bia đủ mọi kích thước xen kẽ nhau. Nội dung bia chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên và con người Xứ Lạng, ghi lại việc phát hiện, tạo dựng động Nhị Thanh và chùa Tam Giáo của các bậc tiền nhân, trong đó có bài “Nhị Thanh động phú” tức bài phú động Nhị Thanh của Ngô Thì Sĩ viết năm 1779 cùng bài thơ tự tán của Ông khi mới phát hiện và đặt tên cho động Nhị Thanh và các bài viết của tiến sĩ Lê Hữu Dung – Phụng sai Đốc đồng xứ Lạng Sơn tham hiệp quân vụ năm 1780 cùng nhiều bài viết của các danh nhân thi sĩ khác.
Đi thêm khoảng 100m, qua 2 chiếc cầu kiều bắc qua những khúc suối quanh co đã mở ra một không gian rộng lớn với nóc hang cao vút, có cửa thông thiên, phía trong có một thác nước đổ xuống theo khe đá hoà nhập cùng với suối Ngọc Tuyền chảy ngầm dưới nền Động, tạo nên những âm thanh huyền bí. Vào năm 1779, Ngô Thì Sĩ viết trong “Bài Ký Động Nhị Thanh” rằng: “Người đi thuyền phải cúi rạp xuống, dùng tay vịn vào vách đá đẩy thuyền mới qua được và do suối chảy dưới nền động nên không thấy dòng suối đâu”.
Dưới chân thác nước, Ngô Thì Sĩ cho tôn một thềm đất cao để làm sân khấu. Tại đây ông đã chọn làm nơi trung tâm vui chơi giải trí trong ngày mở hội ăn mừng sau khi xây dựng xong chùa Tam Giáo và cải tạo động Nhị Thanh, sau này nơi đây trở thành nơi hội họp biểu diễn văn nghệ của nhân dân trong những năm đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc nước ta. Trên nóc động có khe nhỏ ánh mặt trời rọi qua, được người dân gọi là hang Thông Thiên. Trong “Bài Phú Động Nhị Thanh” có câu:
“Hang gọi tên Thông Thiên Ánh mặt trời hơi đỏ”
Ngô Thì Sĩ còn cho khắc ba chữ lớn trên nóc hang là “Hang Thông Thiên”.
Vòng sau cánh gà sân khấu qua khúc ngoặt là đến hang Giao Long, ta như lạc vào “vườn thạch nhũ”, chỗ rộng nhất đến 25m, chiều dài hút tầm mắt, trần và nền hang tương đối bằng phẳng có muôn hình nhũ đá với các hình thù khác nhau: hình con voi phục, hình rùa đang bò… Nhiều cột đá đứng bên mép suối đỡ lấy trần hang, nhiều nhũ đá rủ, mầm đá cao thấp như những bức rèm lớn vắt lên hai bên thành động, cảnh sắc thiên nhiên thật kỳ vĩ. Đi tiếp ra phía sau qua 3 cây cầu là đến cổng sau thông ra bên ngoài. Từ đây có thể quan sát thấy cửa động Tam Thanh với khoảng cách là 500m.
Động Tam Thanh – Chùa Tam Thanh
Động Tam Thanh và chùa Tam Thanh là di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng với câu ca dao:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh Ai lên xứ Lạng cùng anh, Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”
Trong động Tam Thanh có chùa, gọi là chùa Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Trong cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử quán triều Nguyễn có viết rằng: “Chùa này nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng phật phụng thờ, lại có tên nữa là Chùa Thanh Thiền”.
Về niên đại: Qua các tài liệu thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở chùa hiện nay là bia “Trùng tu Thanh Thiền động”, được chế tác vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nội dung tấm bia ghi chép về việc trùng tu di tích, quá có có thể nói rằng chùa này đã có từ trước đó.
Về tên gọi: Theo các nhà nghiên cứu cho rằng: Nơi này, xưa kia nguyên là nơi thờ tự của Đạo Giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đây là ba cung Thanh cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản, đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn (Ngọc Thanh Đại Đế), Linh Bảo Thiên Quân (Thượng Thanh Đại Đế), và Đạo Đức Thiên Tôn (Thái thượng Lão Quân). Sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Đạo Giáo mờ nhạt trong tâm thức dân chúng địa phương, người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào thờ ở trong chùa là chính. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Tam Bảo (thờ Phật), Cung Đức Ông, Cung Công đồng Thánh Mẫu, Cung Ngũ Dinh, Cung Cấm (nơi thờ ADi Đà), Cung Sơn Trang. Trong động Tam Thanh hiện nay, các dấu tích của Đạo Giáo chỉ còn lại cái tên Tam Thanh và ngày lễ hội chính của Chùa là ngày 15 tháng Giêng cũng là một biểu hiện Đạo Giáo khi xưa (một ngày lễ hội lớn trong Đạo Giáo).
Chùa Tam Thanh nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật của di tích. Hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia được Binh Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tạc khắc vào thời Lê – Vĩnh Trị thứ 2 (1677) bia có tên là: “Trùng tu Thanh Thiền Động” nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông. Tấm bia cổ tiếp theo là của tác giả Ngô Thì Sĩ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779) là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích. Ngoài ra là hai bài thơ của hai vị quan triều Nguyễn (Đoàn Đình Duyệt và Tôn Thất Tố) cho tạc khắc khi theo giá vua khải Định năm 1918 ra tuần thú miền Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp danh thắng này. Tại di tích hiện còn có tấm bia chữ Nôm do tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924, bia có nội dung ca ngợi cảnh đep của di tích và được phiên âm với nội dung:
“Xanh xanh xanh ngắt trấn thành Tây Cảnh động này xây lắm vẻ say Non nước đi về quen bóng hạc Gió mây đưa đón thoảng làn mây Giá trong bể hoạn gương còn tỏ Lửa ngất non tình đá cũng ngây Trải mấy tang thương lầm bụi tục Rượu bầu thơ túi vẫn là đây”
Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích.
Đi sâu vào trong Động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi… Đi vào bên trong ta bắt gặp một sân khấu nhỏ, xung quanh có những nhũ đá nhiều hình thù khác nhau do thiên nhiên tạo nên, có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá đẹp lạ thường. Cạnh khu vực sân khấu có lối dẫn lên cổng trời, tại đây ta có thể đứng ngắm nhìn quang cảnh của một vùng nông thôn quanh khu vực di tích. Phía ngoài cửa động Tam Thanh hiện nay còn có nhà sàn và mô hình cọn nước, cối giã gạo đặc trưng của người dân tộc Tày Lạng Sơn.
Chợ Đông Kinh và chợ đêm Kỳ Lừa
Chợ Đông Kinh là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố Lạng Sơn. Chợ Đông Kinh với 3 tầng, tầng 1 bán đồ điện tử, tầng 2 bán hàng tạp hóa, tầng 3 bán hàng thời trang. Trong lịch sử đô thị cổ Lạng Sơn khu vực chợ Đông Kinh thuộc “Bạc dịch trường Vĩnh Bình” vốn là nơi trao đổi thương mại của thương gia hai nước Việt – Trung. Ngày nay chợ được xây dựng khang trang, cảnh mua bán tấp nập người xe bên dòng Kỳ Cùng uốn lượn. Đây là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn khi đến Lạng Sơn.
Chợ Đêm Kỳ Lừa mở cửa từ 8h đến 22h chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch, không chỉ thuần túy là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ kết bạn thể hiện bằng những nét văn hóa cổ truyền một cách sống động. Chợ mang đậm bản sắc miền biên cương sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đến với Lạng Sơn.
Đoàn Thành (cổ) Lạng Sơn
Thành Lạng Sơn là một di tích kiến trúc quân sự nằm ở phường Chi Lăng – Thành phố Lạng Sơn. Thời phong kiến, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Lạng Sơn. Đoàn thành có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước, nằm trong thung lũng thành phố Lạng Sơn, xung quanh có núi cao bao bọc. Chu vi trong của thành là 219 tầm 2 xích 5 thốn, chu vi ngoài là 586 tầm 8 xích 7 thốn (theo đơn vị đo lường cũ). Mặt Đông rộng 153 trượng 7 xích, mặt Tây rộng 140 trượng, mặt Nam rộng 273 trượng và mặt Bắc rộng 292 trượng. Qua những thăng trần lịch sử, Đoàn Thành đã bị phá huỷ khá nhiều, vết tích còn lưu lại rõ nét là cổng thành và bức tường thành phía Nam dài hàng trăm mét còn khá nguyên vẹn, móng xây bằng đá xanh và cổng xây vòm cuốn. Chiều dài từ chân đến đỉnh là 5m, rộng 4m.
Một số đơn vị đo lường cổ có giá trị như sau
1 trượng bằng khoảng 4m 1 xích bằng khoảng 0.32m 1 tầm = 5 xích(thước) bằng khoảng 1.5m 1 thốn = 0.1 thước bằng khoản 0.15m
Trải qua thời gian, thành bị phá hủy gần hết. Dấu vết còn lại của thành là một cổng thành cổ, cây cối mọc um tùm mà khi du khách tới Lạng Sơn, dạo qua những dãy phố nhỏ yên tĩnh của khu hành chính sẽ nhìn thấy.
Núi Phai Vệ
Di tích khảo cổ học núi Phai Vệ hiện thuộc phường Vĩnh Trại, có vị trí trung tâm, phía Đông thành phố Lạng Sơn. Đây là một trong những di tích khảo cổ học được nhắc đến nhiều cùng với các di tích khảo cổ khác ở các huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng,… Nơi đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết cổ sinh vật. Năm 1914, người Pháp đã từng đặt tên cho đường qua núi Phai Vệ là Đại lộ hang động. Hiện nay, du khách dễ dàng nhìn thấy di tích này khi đến tham quan, du lịch mua sắm ở chợ Đông Kinh.
Du lịch Bắc Sơn
Núi Nà Lay
Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, đây là địa điểm mà hầu hết khách du lịch Bắc Sơn đều đặt chân đến, bởi rất lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao, nhất là vào lúc hoàng hôn và bình minh đầy mê hoặc. Với 1.200 bậc thang đá cheo leo, ai quen leo núi sẽ mất chừng 30 phút, còn lại có thể loay hoay khoảng 1 giờ sẽ lên đến đỉnh. Và rồi cảnh sắc từ trên đỉnh Nà Lay sẽ là món quà xóa đi mọi vất vả, mệt mỏi trước đó. Nơi đây còn có trạm vi-ba để bạn có thể nghỉ ngơi trong lúc săn ảnh…
Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn huyện Bắc Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 2km về phía Bắc. Toàn bộ ngôi làng nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn với trên 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, cùng hướng về hướng Nam với thế tựa lưng vào núi. Toàn bộ làng Quỳnh Sơn như một bức tranh đa sắc màu với màu của núi, màu của đồng ruộng mênh mông, màu của dòng suối Quỳnh Sơn trong xanh uốn lượn và hơn thế nữa là sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên.
Thung lũng hoa Bắc Sơn
Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu hoa ở vùng Đông Bắc bởi những loài hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe sắc cùng những cánh đồng hoa bất tận chạy dài dưới chân những ngọn núi hùng vĩ.
Vườn hoa Tam Giác Mạch
Tam Giác Mạch được người dân trồng tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Hoa nở rộ vào tháng 10, 11 thu hút đông khách tới tham quan, chụp ảnh. Hoa được người dân trồng tại các thung lũng, xung quanh là núi đá bao quanh. Để đến được ruộng hoa, du khách phải vượt qua những đoạn đường dọc theo bờ nương, vườn ngô của bà con.
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày có hệ thống các tài liệu hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm xưa. Đồng thời, bên trong bảo tàng còn mô phỏng nơi cư trú của người tiền sử, và trưng bày các di vật khảo cổ được khai quật tại Bắc Sơn. Kiến trúc bảo tàng được xây dựng theo dáng dấp một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, đằng sau là núi cao, bốn bề không gian thoáng đãng. Và hiện nay bảo tàng không thu vé vào cổng.
Đèo Tam Canh
Di tích Đèo Tam Canh thuộc khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn, nằm trên địa phận thôn Lân Luông (có một số người dân đọc thành Làn Lường) thuộc xã Long Đống, huyện Bắc Sơn. Là đoạn đèo nằm trên quốc lộ 1B giáp ranh giữa 2 huyện Bắc Sơn và Bình Gia.
Ngày 23/09/1945, tại khu vực sườn núi Co Chơi (thuộc địa phận Đèo Tam Canh), quân dân Bắc Sơn đã lập chiến công phục kích tiêu diệt nhiều binh sĩ Nhật khi chúng kéo vào Bắc Sơn.
Suối Mỏ Mắm – Hang Keng Tao
Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 24 km, suối Mỏ Mắm (thôn Quang Trung I, xã Chiến Thắng) đang là một trong những điểm du lịch thu hút những người thích khám phá và cũng là điểm đến được nhiều gia đình lựa chọn nghỉ ngơi, tận hưởng không gian xanh mát và sản vật địa phương vào mỗi dịp cuối tuần.
Mỏ Mắm vốn là tên ngôi làng cạnh dòng suối này, thực tế suối có cái tên là Keng Tao, nhưng khách du lịch tới đây lại thích gọi nó với cái tên Mỏ Mắm. Đến Mỏ Mắm vào những ngày tháng Chín, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp nên thơ tại đây. Nguồn nước suối trong vắt chảy ra từ vách núi tạo nên một khung cảnh trữ tình, điểm nhấn là đài phun nước nhân tạo giữa thác, khu vực lòng suối rộng, nước mát lành, có những chỗ sâu để khách tắm mát.
Đình Nông Lục
Cách rừng gỗ nghiến không xa là đình Nông Lục thuộc xã Hưng Vũ, đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Đình Nông Lục là sự kết hợp hài hòa của lối kiến trúc đình cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), sau này được tu bổ lại trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Tại đình Nông Lục vào tối ngày 25/9/1940 đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các đồng chí đảng viên châu Bắc Sơn để bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền của thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài. Cuộc họp đã ra Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, thống nhất thời gian khởi nghĩa vào 20h ngày 27/9/1940.
Đồn Mỏ Nhài
Từ đình Nông Lục du khách đi hơn 1 km là đến di tích đồn Mỏ Nhài. Đồn nằm trên một ngọn đồi cao, có vị trí quân sự chiến lược án ngữ con đường huyết mạch đi về 3 hướng chính là Bình Gia, Vũ Lăng, Bằng Mạc. Khi chiếm châu Bắc Sơn thực dân Pháp đã tập trung xây dựng đồn Mỏ Nhài thành một căn cứ quân sự mạnh hòng kiểm soát và sẵn sàng đè bẹp lực lượng du kích Bắc Sơn hoạt động quanh vùng. Tối ngày 27/9/1940 khoảng 600 quân dân du kích Bắc Sơn chia làm 3 hướng đồng loạt tấn công đồn Mỏ Nhài bằng các loại vũ khí thô sơ hoặc tự chế hoặc thu được của địch khiến chúng phải rút chạy, ta thu giữ nhiều súng ống, đạn dược, đốt bỏ tài liệu và ấn tín. Chiến thắng đồn Mỏ Nhài là dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, được đánh giá “là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng các lực lượng dân tộc Đông Dương”. Chiến thắng đã chứng minh tính đúng đắn của việc chuyển từ hình thức đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang của Đảng ta, cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng sau này
Hồ Tam Hoa
Nếu muốn, các bạn có thể sẽ được trải nghiệm không gian mênh mông rộng lớn của các hồ nước ngọt trong vùng như hồ Vũ Lăng, hồ Tam Hoa, cùng trải nghiệm bơi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc. Nếu quý khách đến Bắc Sơn vào mùa quýt chín (tháng 10, 11 âm lịch) có thể ghé thăm các vườn quýt đặc sản mọc sai trĩu cành trong các lân, lũng, thoải mái lựa chọn và mua về làm quà.
Hồ Pác Mỏ
Từ trung tâm thị trấn huyện Bắc Sơn theo đường liên xã khoảng 2 km các bạn sẽ đến hồ Pác Mỏ thuộc xã Hữu Vĩnh. Đây là di tích danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002. Không chỉ là một hồ thủy lợi đơn thuần cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hồ Pác Mỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, nguồn nước trong xanh không bao giờ vơi cạn, mặt hồ yên bình soi bóng những mái nhà sàn thấp thoáng bên tán cây cổ thụ dưới chân núi. Ngay bên hồ là giếng Bó Loóng, truyền thuyết kể rằng ngày xưa vùng này vốn khô cạn, vào một ngày mưa to gió lớn có con trâu thần trắng đã húc vào vách đá bên hồ, chui vào lòng núi mà tạo ra khe giếng này. Từ đó đến nay khe giếng Bó Loóng nước chảy suốt quanh năm cung cấp nước cho vùng hồ mênh mông. Điều kỳ lạ là trước mỗi ngày mưa to nước chảy ra từ giếng sẽ đổi màu trắng đục như nước vo gạo, nguồn nước khe đặc biệt lạnh không biết xuất xứ chảy từ đâu, lạnh đến nỗi giữa trưa hè một người khỏe mạnh cũng không thể ngâm mình trong nước đến 5 phút.
Cách hồ Pác Mỏ khoảng 200 mét là hang Thắm Hoài. Hang có 2 tầng, nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ rất đẹp mắt, có những cột đá vôi cao hàng chục mét sừng sững cạnh lối đi. Hang nằm lưng chừng núi, dài hơn 700 mét, trần hang cao rộng có nhiều thạch nhũ muôn màu sắc. Sau năm 1964 Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc đã sơ tán từ Đồng Hỷ (Thái Nguyên) về hang Thắm Hoài hoạt động để tránh các cuộc ném bom phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Hiện nay tại tầng 1 và phía ngoài hang còn dấu tích khu xưởng máy và khu nhà ở của cán bộ nhân viên nhà Đài khá nguyên vẹn.
Từ hồ Pác Mỏ, các bạn tiếp tục theo đường liên xã khoảng 7 km đến xã Tân Lập khám phá hang Lân Pán và hang Rù Hon. Hang Lân Pán thuộc một trong 12 điểm thuộc An toàn khu Bắc Sơn đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tại đây ngày 23/6/1941 đoàn cán bộ Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh…dự Hội nghị Trung ương 8 từ Pác Bó (Cao Bằng) trở về đã ở lại hang trong một thời gian để chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn, truyền đạt nội dung Nghị quyết Trung ương 8 về đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật – Pháp, đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đến trung tâm xã Tân Lập, các bạn tạm dừng phương tiện, chuẩn bị đồ nghề leo núi để thám hiểm và chinh phục hang Rù Hon. Mặc dù địa hình hang Rù Hon rất hiểm trở nhưng bên trong lòng hang cảnh quan vô cùng hùng vĩ, có nhiều vòm cao hơn 150 mét, ăn sâu dường như bất tận trong lòng núi đá. Hệ thống thạch nhũ nguyên sơ mang hình những thác đá, trống đá, đầu rồng, tiên ông, ao tiên, cung nữ, thạch quái…muôn hình vạn trạng với đủ cung bậc mầu sắc, hấp dẫn sự trải nghiệm và khám phá.
Hang Khuôn Bồng
Nằm tại xã Vũ Lễ, đây là một hang động dài khoảng 10km vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ thú với vô vàn các loại thạch nhũ và hầu như chưa có nhiều người biết đến.
Lễ hội Lồng Tồng xã Quỳnh Sơn
Được diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Sau phần lễ tế Thần Hoàng là rất nhiều trò chơi dân gian như cày hạ điền, đánh đu, tung còn, kéo co, cờ tướng, giã gạo.
Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình và quảng bá tiềm năng thế mạnh của điểm du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.
Thác Đăng Mò
Thác Đăng Mò mang vẻ đẹp nên thơ, quanh năm tuôn chảy giữa núi rừng hoang sơ, thuộc địa phận huyện Bình Gia, chỉ cách thị trấn Bắc Sơn khoảng 20 km nên thường được kết hợp trong chuyến du lịch Bắc Sơn. Dọc theo triền thác là những tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau, muôn hình đủ dáng, phủ lớp rêu xanh. Bên bờ, những gốc cây cổ thụ vươn cành phủ tán ra giữa lòng thác, càng khiến nơi này thêm phần bí ẩn và làm nổi bật lên dòng nước trắng xóa…
Khu du lịch Mẫu Sơn
Đỉnh Mẫu Sơn cao 1,541 mét, được bao bọc xung quanh bởi bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn – nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung). Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550km², nằm cách trung tâm thị xã Lạng Sơn 30km về phía đông bắc,cách thành phố Lạng Sơn 30 km.
Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Dọc đường đi, bạn còn có thể giao lưu với người dân tộc Dao, Tày, Mông, Nùng…đang gùi rau hay bó củi trên vai.
Về mùa đông có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm và có thể có tuyết rơi, băng đá. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5°C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn…
Xem thêm bài viết : Kinh nghiệm du lịch phượt Mẫu Sơn (Cập nhật 9/2021)
Du lịch Cao Lộc
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc.
Xem thêm bài viết : Các cửa khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc
Bia Thủy Môn Đình
Nhà bia Thủy Môn Đình là một di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Hiện di tích nằm ở vị trí đầu đường vào thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Nếu tính theo chiều từ thành phố Lạng Sơn lên thì di tích nằm ở bên phía tay phải, cách mặt đường 1A chưa đầy 50m. Bia Thủy Môn Đình là một tấm bia cổ, có niên hiệu Cảnh Trị thứ 18 (1670) ghi công của Hữu Đô Đốc Thao Quận công Nguyễn Đình Lộc, có công trạng, sự nghiệp gắn liền với vùng đất, quê hương Xứ Lạng.
Bia được tìm thấy khá dày dặn, có bệ, cao hơn đầu người. Khi được phát hiện, bia nằm giấu kín trong đám bụi cây. Mặt lưng bia có ba chữ Thủy Môn Đình rất to. Thủy Môn Đình do quan Đô Tổng binh, Bắc quân Đô đốc phủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị bách niên dưới thời Lê Trịnh. Mở đầu bia viết đại ý “ta nhờ tổ tông tích thiện, nên từ lúc còn trẻ đã được theo vua giết giặc lập công, được phong chức giữ nơi bờ cõi, cửa ngõ của sự bang giao, nơi hai nước có sứ giả đi lại và văn thư giao dịch. Nhờ gặp thời Hoàng Lê thịnh trị, vạn đẹp của Chúa, thu phục được “bát man”, được giao trọng trách trông giữ miền quan ải, trách nhiệm nặng nề, vì thế lập bia để con cháu trông gương mà bắt chước, báo đền ơn vua, lộc nước”.
Ở giữa bia có một bài Minh, tức là bài tóm tắt chủ ý của bia dưới dạng câu ngắn có vần: “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vũ. Uyên quân giới phiên. Đồng Đăng linh ấp”. Có nghĩa: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vách đá giữa trời đất, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.
Sự có mặt của hai chữ Việt Nam trong tấm bia biên giới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vị trí tấm bia này chỉ cách ải Nam Quan (nay là cửa quan Hữu Nghị) có 2 km. Nó lại dựng lên bởi “Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn” nên tấm bia có ý nghĩa hành chính rõ rệt. Như vậy từ hơn 3 thế kỷ trước đây, tên gọi Việt Nam đã chính thức nằm trên tấm bia hiên ngang nơi quan ải.
Đền Mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu Đồng Đăng (Đồng Đăng linh tự), là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Trong dân gian lưu truyền, đền Mẫu chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. Tục truyền, Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Hoa, do có duyên nợ với trần gian nên bà thường hiển linh giúp đỡ người dân nên được triều đình (thời Hậu Lê) sắc phong là công chúa Liễu Hạnh và phong làm Thượng đẳng Phúc thần. Trong những dịp hay ngao du sơn thủy đến các thắng cảnh của nhiều vùng, bà đã gặp gỡ, họa thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan, trong đó có lần gặp nhau tại Đồng Đăng linh tự.
Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm; gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, 2 bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu…
Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng giêng, tại đền Mẫu lại diễn ra lễ hội đầu xuân của các dân tộc xứ Lạng. Lễ hội Đồng Đăng trước đây được gọi là hội Lồng Tồng (xuống đồng). Trong lễ hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao.
Khu du kích Ba Sơn
Khu du kích Ba Sơn bao gồm các xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc, trong đó Xuất Lễ là trung tâm của Khu du kích. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, Ba Sơn anh dũng là tên gọi ca ngợi về Khu du kích mà ở đó, mỗi chiến công gắn liền với thắng lợi của quân và dân Lạng Sơn trên con đường lửa số 4, đẩy quân viễn chinh tới thảm bại tại mặt trận biên giới 1950. Góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn Lạng Sơn.
Chùa Bắc Nga
Chùa Bắc Nga tọa lạc tại Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga phật tự” hay còn gọi là Chùa Tiên Nga (Tiên Nga tự). Chùa nằm trên sườn đồi rộng thoải, lưng tựa núi, mặt hướng ra quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn, tạo nên thế “Rồng chầu hổ phục” theo thuyết phong thủy. Ngôi chùa xưa nhỏ bé, nằm dưới tán lá cổ thụ um tùm.
Lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm (trùng hội chùa Tam Thanh – Lạng Sơn). Dân gian còn gọi hội chùa Bắc Nga là hội Bản Ngà.
Du lịch Chi Lăng
Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng – vùng đất địa linh nhân kiệt và rực rỡ chiến công ở miền biên ải phía Bắc của Tổ quốc. Với địa thế hiểm yếu, ải Chi Lăng được coi là bức tường thành của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang.
Chi Lăng là ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là thắng cảnh được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh ở phía tây và dãy núi Bảo Ðài ở phía đông. Hai đầu ải có những ngọn núi đá độc lập, cao chót vót tạo thành thế hiểm. Lịch sử oai hùng của Chi Lăng gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự thiên tài như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh tài năng của xứ Lạng: Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề…
Ngược dòng lịch sử xa xăm, con người còn để lại ở Chi Lăng những vết tích của nền văn hóa Bắc Sơn – Mai Pha nổi tiếng với những hang động đẹp như trong huyền thoại và những rìu đá, mảnh gốm… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của con người sinh sống ở nước ta.
Vào những năm trước và sau công nguyên, ải Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, đấu tranh chống các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược. Thế kỷ 14, tể tướng nhà Trần là Phạm Sư Mạnh khi cưỡi ngựa qua biên ải đã hạ một câu thơ bất hủ: “Chi Lăng ải hiểm tựa lên trời”. Năm 1077, phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt đi thân hành về Chi Lăng gặp phò mã Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh. Với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (Chi Lăng), Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan bọn xâm lược Tống lần thứ hai.
Thế kỷ 13, cả thế giới kinh hoàng trước vó ngựa của đế quốc Nguyên Mông. Tuy nhiên, năm 1284, khi cánh quân Nguyên qua ải Chi Lăng đã bị quân ta chặn đánh kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Chính Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây: bằng hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt chúng…
Thế kỷ 15, ải Chi Lăng lại ghi vào lịch sử Việt Nam một trang chói lọi, đó là chiến thắng 1427, giết chết Nguyên soái An Viễn hầu Liễu Thăng – chủ tướng của giặc cùng 1 vạn quân Minh, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Minh, giải phóng đất nước. Thế kỷ 18, dưới thời Hoàng đế Quang Trung – một nhà quân sự thiên tài, Chi Lăng lại một lần nữa cùng quân dân cả nước đánh tan tành quân xâm lược nhà Thanh… Vào các thế kỷ 19 và 20, ải Chi Lăng lại chứng kiến những chiến công đánh Pháp, đuổi Nhật của quân dân ta.
Núi mặt quỷ
Núi có hình mặt quỷ nằm ở thôn Quán Thanh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn). Chính vì vậy mà trước đây nơi này có tên gọi là Quỷ Môn Quan, tức là cửa mặt quỷ. Ngọn núi này có điểm đặc biệt là ở giữa khoảng xanh của cây cỏ, lộ lên một hình thù rất giống mặt của một con quái vật khổng lồ. Nhìn từ xa, khuôn mặt này có đầy đủ cả mắt, mũi.
Một điều thú vị là, dù được coi là mặt quỷ, nhưng người dân nơi đây không coi đấy là biểu tượng của cái ác, mà ngược lại, người dân cho rằng “mặt quỷ sẽ bảo vệ cuộc sống bình an cho dân làng”.
Hang Gió
Hang Gió còn có các tên gọi: Động Thông Gió hay Mai Sao Phong động. Khu di tích Hang Gió thuộc Lũng Khòm (thôn Sao Thượng B), xã Mai Sao, huyện Chi Lăng. Khu di tích danh thắng Hang Gió bao gồm một vùng rộng lớn, với nhiều núi dá, hang đá tự nhiên thuộc dãy núi Bó Nhàn từ thôn Sao Thượng tới trung tâm xã Mai Sao. Trong đó hang động nổi bật nhất là hang Gió. Đây là hang động có quy mô lớn, chiều dài hàng trăm mét, rộng đến 50 – 70 m, chiều cao có chỗ lên đến 30 – 40 m. Hang có 2 tầng và một tầng hầm, ít ngách phụ, trong hang it hiểm trở đi lại dễ dàng. Sàn hang tương đối bằng phẳng, vòm hang cao rộng, thoáng mát mang dáng dấp vòm nhà thờ. Vách hang có nhiều nhũ đá mang hình thù kỳ dị.
Đến thăm khu danh thắng hang Gió trước tiên phải thăm Hang Gió (động Thông Gió) bước lên 392 bậc hình chữ chi nối dài mới đến được Hang Gió, sau đó mới thăm các hang khác xung quanh như: Hang Công Chúa (tức hang Sân Khấu), hang Hoàng Tử (tức hang Sáng), hang Thiên Đình, hang Dơi, động Thủy Tiên (tức hang Nước).
Hang Lạng Nắc
Hang Lạng Nắc có tên gọi khác là hang Miệng Hổ hoặc hang Treo (tên gọi của nhân dân địa phương). Hang Lạng Nắc nằm trong dãy núi đá vôi xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Hang ở ngay cạnh cây số 32 Quốc lộ 1A (cũ), cách thị trấn Đồng Mỏ 5km về phía Đông Bắc, cách UBND xã Mai Sao 400m về phía Nam. Đường đi đến chân núi thuận tiện, có thể dùng phương tiện ô tô. Nhưng để leo lên cửa hang thì cần có thêm một chút sức khỏe và sự kiên nhẫn của vận động viên leo núi.
Hang Lạng Nắc ở độ cao khoảng 100m so với mặt thung lũng. Cửa hang rộng 18m, cao 16m, hướng về phía Đông, chếch Nam khoảng 200, rất thoáng mát, khô ráo. Chiều sâu của hang là 17m, mặt hang bằng phẳng, rộng khoảng 70m2. Dưới chân núi hang Lạng Nắc có suối Mai Sao, là đầu nguồn của sông Thương. Hang Lạng Nắc nằm trong một hệ sinh thái khá đa dạng: núi đá, núi đất, đồi, thung lũng, sông, suối, … Vì thế, hang Lạng Nắc rất thuận lợi cho sinh hoạt và kiếm sống của người nguyên thủy.
Du lịch Tràng Định
Di tích Pác Lùng – Ký Làng
Pác Lùng, Ký Làng là một địa danh thuộc thôn Nà Han, xã Tri Phương, huyện Tràng Định. Nơi đây ngày 11/4/1938 đã diễn ra thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Tràng Định dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Hang Cốc Mười
Hang Cốc Mười ở thôn Nà Han, xã Tri Phương, Tràng Định là cơ sở In ấn tài liệu và là địa điểm hoạt động bí mật của chi bộ Phi Mỹ những năm trước cách mạng tháng Tám. Sau khi thành lập (4- 1938) và đi vào hoạt động, chi bộ Phi Mỹ đã đặt cơ sở In tại hang Cốc mười do đồng chí Quốc Bình (Giáo Lợi) phụ trách. Toàn bộ tài liệu, báo chí, truyền đơn, văn bản hoạt động của chi bộ Phi Mỹ đều từ cơ sở này mà ra.
Đồn Pò Mã
Ngày nay dấu tích đồn Pò Mã ở xã Quốc Khánh, Tràng Định ngoài những mảng chân tường và vết nền, móng xây bằng đã hộc. Năm 1934 – 1935, nhằm đối phó tích cực đối phó với phong trào cách mạng Tràng Định, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng thế giới vào Việt Nam, thực dân pháp đã ráo riết xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc khắp vùng giáp biên. Đồn Pò Mã được xây dựng trong thời kỳ này.
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên
Là điểm nối giữa hai huyện Hữu Lũng – Bắc Sơn với tuyến giao thông liên huyện khá hoàn chỉnh, ngoài sự đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, đến với xã Hữu Liên các bạn sẽ được khám phá loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên.
Không chỉ đa dạng về sinh cảnh với khu rừng đặc dụng quí hiếm, những hang động núi đá và thác nước hùng vĩ, Hữu Liên còn là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn với nhiều giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian. Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người.
Đền Bắc Lệ
Đền Bắc Lệ nằm ở huyện Hữu Lũng là một quần thể di tích nằm trên một quả đồi giữa khu Nam của Phố Bắc Lệ . Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của một ngôi đền, song căn cứ vào hai văn bia còn (1919 và 1933) đền Bắc Lệ từ đầu thế kỷ XX đến nay đã trải qua 5 lần tu sửa tôn tạo. Theo văn bia khắc năm Khải Định thứ 4 (1919) thì trước đó đền chỉ là một am thờ nhỏ, hay bị hỏa hoạn, sau đó nhân dân đã cung tiến xây dựng thành một ngôi nhà 3 gian gồm 3 cung: Đệ Nhất – Đệ Nhị – Đệ Tam (cung cấm) ngôi đền mang bóng dáng nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Trung quốc. Trong đợt sửa chữa lần 2 (1933) và lần 3 (1940) ngôi nhà 3 gian cũ đuợc quay lại và xay thêm cung Đệ Tam ở phía sau. Một cổng Tam quan to cao được xây dựng ở phía ngoài Tam cấp lên đền. Sau đó do các điều kiện, nguyên nhân khác đền Bắc Lệ còn qua một số lần sửa chữa.
Tuy trải qua nhiều lần tu bổ, nhưng ngôi đền hiện nay vẫn giữ được dáng vẻ cổ truyền, diện mạo đền hiện nay ngoài đền chính còn có một số gian thờ khác, bên phía mặt tiền của đền là một gian nhà nhỏ khoảng 10m², thờ Chầu Bé Bắc Lệ, phái trước bên trái phía Đông Bắc của của mặt chính diện đền có một bàn thời Ngũ Hổ ngoài trời. Đền chính vẫn nằm trên vị trí cũ, đó là một dãy nhà 3 gian xây bằng gạch lợp ngói tây, cột gỗ, ba gian nhà này đồng thời là 3 cung, diện tích 126m².
Mặc dù đã bị thất lạc nhiều song đền vẫn giữ được một số di vật cổ và thêm các hiện vật mới được cung tiến. Hiện nay đền có 19 pho tượng lớn nhỏ chủ yếu bằng chất liệu gỗ, nhiều y môn sặc sỡ treo trên các lối đi có hai văn bia và nhiều hoành phi câu đối.
Cũng giống như bất kỳ một đền thờ Mẫu nào đền Bắc Lệ thời Công Đồng, Tứ Phủ, thờ tất cả các vị Chư Linh ở bốn miền Vũ Trụ, thế nhưng ở đây đặc biệt coi trọng các vị thần linh gắn liền với địa phương như Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Bé, Cô Bé… những vị thần cung cấp ban phát của cải vô biên nơi núi rừng cho con người, và trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh hằng. Chầu Bé theo quan niệm của người dân ở đây, vốn là người có thật quê quán ở Bắc Lệ. Tại đây Chầu Bé có thể thay mặt Mẫu để thực hiện các ý đồ sáng tạo của các Mẫu.
Bên cạnh Trung tâm là Mẫu còn có các thần linh hóa thân của Mẫu như Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Quan Hoàn, Cô, Cậu.. được thể hiện qua việc bài di tích. Lễ hội chính của đền Bắc Lệ được tổ chức vào ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. Việc tế lễ, rước sách tổ chức rất linh đình, thu hút một số lượng đông đảo người dân tham dự.
Các món ăn ngon ở Lạng Sơn
Đến với mảnh đất Lạng Sơn, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cũng sông núi, mà còn được thưởng thức những đặc sản mang đậm hương vị con người vùng rừng núi Đông Bắc.
Các đặc sản nổi tiếng của xứ Lạng là : Vịt quay Thất Khê, phở vịt quay, Lợn quay mắc mật, Rượu Mẫu Sơn, Bánh cuốn trứng, Khau nhục … các bạn có thể đọc thêm bài những món ăn ngon ở Lạng Sơn để biết thêm các thông tin chi tiết và địa chỉ thưởng thức các món ăn đó tại Lạng Sơn.
Vịt quay và Phở vịt quay
Vịt quay là giống vịt bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ vịt được tẩm hương liệu, hành, hạt tiêu, quả móc mật, nhồi vào bên trong, khâu lại. Phần bên ngoài da tẩm mật ong và để chừng 10 phút, sau đó vịt được quay trên bếp than, loại than hoa chừng 15 phút, khi quay xong nhúng vào chảo mỡ, đảo đi đảo lại khoảng 15 phút cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm, ngon, thịt vịt phải thấm màu mật ong, có hương vị đậm đà của hương liệu, đó mới là thịt vịt ngon.
Phần nước mỡ khi quay vịt xong sẽ được sử dụng để chan phở vịt. Khi thưởng thức một bát phở vịt, cho thêm một vài lát măng chua được ngâm trong lọ để sẵn, mùi thơm của thịt vịt, nước dùng sóng sánh và vị chua của măng tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn đặc sản vùng biên giới.
Địa chỉ ăn phở vịt quay và vịt quay ngon ở Lạng Sơn
– Phở Vịt Quay Hải Xồm trên đường Bà Triệu – Quán phở ở mặt sau Bưu điện Tỉnh Lạng Sơn (phố Thân Thừa Quý – Tp Lạng Sơn) – Quán vịt quay Mật Mật 15 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn 0907780812 – Quán vịt quay Hùng Hưng 13 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn 0907780812 – Quán vịt quay Hương Nga 128 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn 0907780812 – Quán vịt quay Hà Nga 157 Hùng Vương – Tp Lạng Sơn 0907780812
Phở chua Lạng Sơn
Đặc sản xứ Lạng này được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua Lạng Sơn phải ăn nhẩn nha mới thưởng thức hết hương vị đặc biệt của nó. Hiện nay, phở chua có bán ở một số vùng miền núi phía Bắc, nhưng chỉ có sản phẩm của Thất Khê, Lạng Sơn, là có tiếng hơn cả.
Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phần khô trước hết phải kể đến bánh phở. Cũng vẫn là thứ bánh phở quen thuộc nhưng cái khác ở đây là bánh phở được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai. Tiếp đó là món khoai tây thái chỉ và miếng doang được thoa qua mỡ sao cho thật giòn và vàng rộm lên. Gan lợn thái mỏng bằng nửa lòng bàn tay rán cháy cạnh. Thịt lợn ba chỉ loại ngon và dạ dày lợn đem quay trong chảo mỡ. Riêng vịt quay thì nên chọn mua tại các nhà hàng chuyên nghiệp nổi tiếng ở Thất Khê. Phần nước phở gồm: nước báng tỏi, dấm, đường, mì chính…
Chính thứ nước hỗn hợp này làm cho người ăn không không cảm thấy ngấy. Còn nước lèo chính là thứ nước múc từ bụng con vịt quay, vừa có vị ngậy của mỡ vịt, vừa thơm phức nhờ những gia vị ướp trước khi quay.
Toàn bộ phần nguyên liệu được chuẩn bị từ trước và chờ đến khi khách gọi mới bắt đầu trộn. Khâu trộn là khâu cuối quyết định sự thành công của món phở chua. Phải trộn lượng nước vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều.
Những thứ trang điểm cho món phở chua gồm có lạc rang giã dập, các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và vài lát lạp xưởng thái mỏng. Ngoài ra còn có thêm thứ gia vị đặc biệt mà người địa phương quen gọi là xúng xàng (Xúng xàng hay còn gọi là lạp xường là món để dành ra giêng mới ăn. Không giống lạp xường vẫn treo lủng lẳng ở các cửa hiệu dưới xuôi, xúng xàng có thể to bằng cổ tay, nguyên liệu, hương vị hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu lấy từ rừng như mắc mật, mắc khén, đinh hương… rất hấp dẫn, lại lành bụng, là món ăn thuộc loại đặc sản) tạo ra một hương vị rất lạ. Phở chua là món ăn hàn thực nên nó được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Phở chua được coi là món ăn đặc sản đáng tự hào của người Lạng Sơn, bởi vậy nó là món không thể thiếu trong các dịp đón khách quý tới nhà.
Địa chỉ ăn phở chua ngon ở Lạng Sơn
– Phở chua trên đường Lê Lai – Phở chua trên đường Bắc Sơn (Gần trường THCS Hoàng Văn Thụ) – Quán phở Phượng 73 Nhị Thanh Điện thoại : 0907780812
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn
Không được nhiều người biết đến như bánh cuốn Hải Phòng hay bánh cuốn Thanh Trì nhưng bánh cuốn trứng Lạng Sơn vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong bữa sáng cho thực khách khi đến thăm xứ Lạng êm đềm.
Về cơ bản cách làm bánh cuốn trứng không khác biệt nhiều so với các loại bánh cuốn ở nhiều địa phương trên cả nước, chỉ khác nhau ở nhân bánh bên trong. Bánh cuốn trứng cũng chọn những hạt gạo tẻ trắng ngần xay mịn làm bột. Sau đó, người ta đem thứ tinh bột thơm mùi đồng ruộng này hòa với nước thành một hỗn hợp không quá đặc mà cũng không quá loãng như thế sẽ giữ được độ dẻo đặc trưng của bột gạo.
Đến lúc ngọn lửa hồng của bếp lò được nổi lên thì người làm bánh khéo léo căng một miếng vải mỏng lên miệng nồi hấp và thoa một lớp mỡ mỏng lên mặt miếng vải để bánh cuốn dễ dàng được lấy ra khi đã chín. Bánh chỉ được làm khi có khách vào ăn, đôi bàn tay thoăn thoắt của người đầu bếp múc từng gáo bột láng thật đều, thật mỏng trên khuôn vải. Khi chiếc bánh trên nồi vừa chín tới, giở nắp vung ra đập vào hai bên của lá bánh hai quả trứng gà, đậy nắp lại một chút, chờ cho lớp lòng trắng đục lại, dính vào mặt bánh còn phần lòng đỏ lúc ấy chỉ cần vừa đủ chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp cho quả trứng không bị vỡ là được.
Khi bánh chín, người làm bánh dùng một chiếc đũa tre dẹp chia lá bánh làm hai phần, dùng các góc còn lại của bánh để phủ lên một nửa của lòng đào trứng gà chứ không phủ kín. Như vậy, bánh cuốn trứng đã được hoàn thiện chỉ việc bày ra đĩa rắc thêm một lớp thịc nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ trông rất ngon mắt. Những chiếc bánh vừa mới hấp, mới cuốn, khói còn nghi ngút phải ăn ngay thì mới cảm nhận được hết vị ngon của bánh cuốn trứng.
Ngồi quanh bếp than hồng nghe củi gỗ bị đốt cháy nổ tí tách nhâm nhi bát nước vối nóng, thưởng thức bánh cuốn trứng với nước chấm đơn giản là một chén nước thịt kho, lớp nước mỡ thật dày cùng với ít rau sống sẽ thấy xứ Lạng thật bình yên. Điều thú vị hơn là khi ăn bánh người dùng phải đưa miếng bánh vào miệng khéo léo để lòng đỏ trứng vỡ ra trong miệng hòa lẫn với vị béo béo ngậy ngậy, mặn ngọt của nước thịt kho mới thấy hết được sự tinh tế trong ẩm thực của vùng quê này.
Địa chỉ ăn bánh cuốn trứng ngon ở Lạng Sơn
– Cạnh khách sạn Nam Ninh 40 Ngô Gia Tự – Tp Lạng Sơn – Quán Bà Thắm 14 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn – Quán Bắc Hùng 21 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn – Quán Hương Phi 27 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn – Quán Thu Hiền 13 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn – Quán Bà Thảo 13 Ngô Quyền – Tp Lạng Sơn
Khâu nhục (Khau nhục)
Khâu nhục , còn gọi là Nằm khâu, là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khâu nhục được du nhập vào Việt Nam qua sự biến tấu của người dân tộc Tày, Nùng, và qua thời gian đã trở thành món ăn Đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn, được dùng trong những dịp gia đình có chuyện vui như lễ Tết, cưới hỏi… Theo truyền thống, khâu nhục được chế biến khá cầu kì từ thịt ba chỉ sau khi đã được ướp kĩ các loại Gia vị và chưng cách thuỷ trong thời gian dài.
Khâu nhục được những người Nùng di cư từ Trung Quốc mang đến Việt Nam. Cái tên “khâu nhục” xuất phát từ phiên âm tiếng Hoa: “Khâu” có nghĩa là “hấp đến mềm gục”, còn “nhục” có nghĩa là “thịt”, do đó nếu dịch đúng có thể hiểu là “Thịt được hấp gục”-Hay hấp đến chín nhừ. Người Trung Quốc coi khâu nhục là món ăn dân dã nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, cách bài trí miếng thịt lên đĩa theo hình dạng một quả đồi nhỏ đang nhô cao thể hiện ý chí và sự lớn mạnh trong tương lai. Do đó, đây là món ăn gần như không thể thiếu trong các ngày lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc Tày-Nùng.
Nguyên liệu chính được dùng là thịt ba chỉ, theo những người có kinh nghiệm thì thịt ngon nhất không nên quá béo, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Bên cạnh đó, còn cần có các loại gia vị như húng lìu, Ngũ vị hương, Địa liền, mật ong, rượu, dấm, xì dầu… Thịt ba chỉ sau khi luộc sơ được tẩm gia vị, sau đó dùng tăm tre chọc thật kĩ lớp bì để bì có khả năng hút nước cho mềm, đồng thời loại bỏ bớt lớp mỡ dưới da. Sau đó đem thịt đi quay, vừa quay vừa phết mật ong lên cho vàng bì, hoặc cũng có thể cho thịt vào chảo mỡ đảo cho vàng miếng thịt rồi vớt ra để nguội.
Khoai môn thái miếng, chiên vàng rồi bày lên đĩa. Phía dưới lớp khoai là lớp rau muối mặn được làm từ lá tàu soi băm nhỏ, trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi. Sau đó thái thịt thành từng miếng khoảng 1,5 cm, úp bát to vào, lật lại để nguyên đĩa rồi xếp từng bát vào nồi chưng cách thuỷ trong khoảng thời gian từ 4-5 tiếng cho thịt chín và mềm nhừ. Khi ăn thì lật úp bát thịt ra đĩa, để phần da của thịt được bày lên trên, nếu có màu vàng đều cùng hương thơm đặc trưng là đã đạt yêu cầu. Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù.
Bánh Cao Xằng
Nguyên liệu chính để làm món bánh Cao Xằng là gạo tẻ. Gạo phải là loại tẻ ngon, trắng và có mùi thơm, nấu cơm thơm dẻo và làm bánh thì ngon, mượt.
Bột bánh: Gạo được ngâm qua đêm cho mọng nước, đem vo đãi sạch rồi đem xay trong cối đá thành thứ bột nước sền sệt. Bớt ra một phần bột rồi pha thêm nước lã cho bột loãng ra rồi đem đun sôi, quấy cho tới khi bột gần chín. Bột này lại được hòa với phần bột sống kia thành thứ bột dở sống, dở chín, đặc sánh. Phải pha chế cho bột dở sống, dở chín như vậy để khi hấp bánh không bị bở nát. Nêm thêm một chút muối, mì chính cho có vị, thế là đã chuẩn bị xong bột bánh.
Nhân bánh: Nhân bánh cao xằng được làm bằng thịt lợn băm nhỏ và hành khô. Thịt lợn vai băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Hành củ xắt nhuyễn, cho vào chảo phi thơm rồi cho thịt vào xào cho săn là được.
Sau khi bột và nhân được làm xong bánh sẽ được mang đi hấp. Bánh cao xằng hấp khá cầu kỳ và phải chia làm ba lần. Khuôn bánh là chiếc khay nhôm sâu lòng, to chừng cái mâm nhỏ. Đổ một lớp bột dày bằng một đốt ngón tay vào khuôn rồi đem hấp cách thủy. Sau khi bột chín lại đổ thêm một lớp bột nữa rồi tiếp tục hấp đến chín. Sau đó đổ thêm lớp bột thứ ba, lớp bột này mỏng hơn hai lớp trước và được trộn cùng với nhân bánh và xì dầu và một ít hành lá thái nhỏ rồi tiếp tục hấp bánh đến chín đều là được. Bánh phải hấp nhiều lần vì nếu để một lớp dày bánh sẽ chín không đều và không được dai ngon. Khi bánh chín, tỏa ra mùi thơm của bột gạo quện với mùi hành phi vô cùng hấp dẫn. Dùng dao sắc, cắt bánh thành hình chữ nhật khoảng cỡ bao diêm rồi rắc thêm chút lạc rang giã giập.
Nhiều loại bánh hấp khác thường được ăn kèm cùng nước chấm hay nước sốt thì bánh cao xằng lại thường được ăn kèm cùng… nước canh. Nước canh được chế biến bằng cách hầm xương heo, đặc biệt là xương ống thật kỹ, vớt hết bọt, rồi thêm hành hoa và mùi tàu thái nhỏ.
Địa chỉ ăn bánh Cao Xằng ngon ở Lạng Sơn
Số 223 đường Bắc Sơn (Dốc Phai Món – Tp Lạng Sơn)
Bánh Áp chao
Cái món ăn xuất xứ từ Trung Quốc khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với khẩu vị của người Việt đã thành một thứ quà đặc sắc của xứ Lạng. Áp chao làm từ thịt vịt thôi nhưng được chế biến khá độc đáo. Cùng là thịt vịt nhưng chia làm hai loại bày trên hai đĩa, một đĩa là thịt vịt chao dầu đã được tẩm ướp húng lìu, một là thịt vịt bọc bột nếp chiên vàng. Nhìn đĩa thịt vịt nâu vàng suộm bên cạnh đĩa rau sống xanh mơn mởn, chưa ăn mà đã thấy ngon miệng rồi. Thịt vịt chao dầu thì dùng với bát nước chấm gồm gia vị, ớt, giấm ngâm măng đắng và mắc mật. Ăn thấy có vị đậm đà của thịt vịt được tẩm ướp kĩ càng mà lại có vị chua chua của thứ nước chấm rất riêng. Còn thịt vịt bọc bột nếp – thứ bột nếp mà các bà hàng bánh rán mặn vẫn dùng để làm bánh – thì chấm với nước mắm đu đủ pha giấm ớt. Cắn một miếng thấy cái deo dẻo của bột nếp, đến miếng thứ hai cảm nhận ngay được cái ngọt của thịt vịt chín vàng. Ăn mãi mà không thấy chán. Cả hai thứ này ăn kèm với rau sống. Trong cái gió mát của vùng cao, quây quần bên bè bạn, nhấp môi chút rượu Mẫu Sơn, nhấm nháp cái vị đậm đà của món áp chao, xuýt xoa trước cái cay cay của gừng, của ớt mới cảm nhận được hết cái thú ẩm thực xứ Lạng.
Địa chỉ ăn bánh áp chao ngon ở Lạng Sơn
Hàng ăn áp chao Xuân Sửu 252 Bà Triệu, Tp Lạng Sơn
Lợn quay Lạng Sơn
Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng.
Để làm lợn quay, người ta chọn những con tầm 20-35kg hơi, loại to quá thì béo, mỡ nhiều ăn sẽ ngấy. Loại nhỏ dưới 20kg thì chưa thành thịt, nhão và không có vị thơm. Người Lạng Sơn hay nuôi giống lợn móng cái (lợn ta hay còn gọi là giống lợn ỉn) có xương nhỏ, chắc thịt và nạc nhiều nên thịt quay thơm ngon; nếu chọn được giống lợn này để quay thì càng ngon. Thịt lợn cả con được cạo lông làm sạch từ thủ lợn đến chân giò, cạo trắng cả con nhưng không để da lợn bị xước rách, để khi quay chín da lợn không bị vỡ làm mất nước ngọt và mùi thơm của thịt. Lợn làm sạch lông, đem mổ moi hết nội tạng để tẩm ướp gia vị. Lấy muối tiêu xát đều trong bụng lợn cho đủ độ ngấm, rồi lấy lá mác mật (một loại quả vừa để ăn vừa làm gia vị được) loại bánh tẻ và lá non rửa sạch cả cuống và lá để ráo nước rồi cho vào bụng lợn. Dùng một chiếc xiên bằng gỗ hoặc bằng cây hóp xiên từ khấu đuôi lên thẳng mồm con lợn, sau đó lấy lạt buộc chặt cây gỗ và xương sống con lợn, lấy lạt buộc kín bụng con lợn lại. Để cho lợn quay có bì vàng xẫm thật ngon, người ta dùng mật ong hòa với giấm bôi kĩ một lượt lên toàn thân con lợn. Sau đó mang con lợn ra quay trên đống than củi đang cháy hồng, chú ý quay thật đều sao cho con lợn không có chỗ sống, chỗ chín.
Quay một con lợn 30kg hơi cũng phải mất 2-3 tiếng, vừa ngồi quay lợn vừa bôi đều mật ong pha giấm trên con lợn và lấy que nhọn chọc dầu vào da con lợn để bì không bị nứt trong khi quay. Khi lợn chín tới, người ta dùng vải thấm nước lã lau qua mình con lợn một lượt rồi quạt lửa thật mạnh để cho bì lợn phồng lên. Bỏ lợn ra khoảng 1 tiếng cho bớt nóng và để khi chặt thịt miếng thịt bày ra đĩa không bị nát. Đĩa thịt lợn quay vàng xộm thơm lừng ngon lành đến ứa nước miếng. Cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Bánh chưng đen Bắc Sơn
Bánh chưng đen (hay còn gọi là bánh chưng cẩm) được gói theo hình trụ dài giống bánh tét miền Nam hay bánh gù của người Giáy. Tuy nhiên, món bánh đặc trưng của người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy và khiến không ít người phải tò mò.
Bánh chưng đen phải được gói thủ công. Bánh dài khoảng 30 cm, đường kính 6 – 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt. Trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 – 5 tiếng thì vớt ra.
Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong. Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao.
Xôi cẩm
Xôi lá cẩm xứ Lạng có màu tím nhờ nước luộc thứ lá gọi là lá cẩm, rộ nhất vào tháng tư tháng năm. Lá cẩm sau khi luộc sẽ được lấy nước đem ngâm với nếp qua một đêm. Hạt nếp trắng tinh sau khi ngâm sẽ chuyển sang màu tím mà nhiều người thường đùa nhau đó là vì đã bị “thuốc tím” bám vào. Màu của xôi cẩm cũng chính là màu của hạt nếp sau khi được ngâm.
Đồ xôi xẩm cũng đơn giản như đồ xôi gấc, xôi đỗ. Khi đồ, để có thêm vị đậm đà bạn có thể cho vào một chút muối trắng, trộn đều, hoặc nạo thêm một ít cùi dừa trộn vào nếp để có vị béo. Nếu muốn, bạn cũng có thể dùng đỗ xanh bỏ vỏ đồ cùng xôi cẩm để tạo nên màu xanh và màu tím trên đĩa xôi. Mùi hương bốc lên khi đồ xôi cẩm cũng rất đặc biệt so với mùi thơm của những loại xôi khác, có lẽ là vì hương lá cẩm thấm vào xôi.
Cơm lam Bắc Sơn
Nhắc đến cơm lam người ta thường hay nhớ đến những vùng đất nổi tiếng như Hoà Bình , Sơn La, Cao Bằng… nhưng nếu đã một lần đến Bắc Sơn, Lạng Sơn được thưởng thức món cơm lam của bà con dân tộc Tày ở đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên được cái hương vị đậm đà riêng của nó.
Cách làm cơm lam của người Tày cũng làm tương tự như làm cơm lam ở các nơi khác tức là cũng cho gạo và nước vào ống tre sau đó đem nướng. Nhưng người Tày ở Lạng Sơn họ lại có bí quyết làm cơm lam riêng của mình, cơm lam của họ có mùi vị đặc trưng riêng. Đó là mùi ngầy ngậy của nếp trộn với mùi béo của lạc và hương nồng của lá mắc mật. Cái tạo nên hương vị riêng phân biệt với cơm lam của các nơi khác là họ trộn lạc với gạo nếp sau đó đem nén vào ống tre. Sau khi nén chặt gạo và cho nước vào họ lấy lá mắc mật nút chặt ống. Việc nút gạo bằng lá mắc mật vừa tạo mùi thơm riêng có, vừa ngăn không cho nước vào ống làm nhạt cơm.
Bánh ngải
Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước. Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hừng hực tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Cũng có một cách xử lý lá khác là luộc nước vôi trong để giữ màu xanh, sau đó đảo qua cho ráo nước, cuối cùng lá đó cũng bỏ vào giã nhuyễn cùng xôi cho đến lúc thành bột mịn.
Cũng có nơi, người dân xay nhuyễn lá rồi trộn với gạo, đồ thành xôi xanh, rồi mới giã mịn. Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào.
Lạng Sơn được coi là “thủ phủ” của bánh ngải. Đến với mảnh đất này, ngoài mua thịt vịt quay, bát khâu nhục, khách du lịch còn thường mua bánh ngải mang về làm quà.
Măng ớt Lạng Sơn
Cùng là trái ớt, những búp măng nhưng mỗi vùng miền lại có cách chế biến, cách ăn khác nhau. Ở vùng này nó chỉ là gia vị, nhưng ở vùng khác lại là món chủ lực “đưa cơm”. Nếu ai đã từng đến Lạng Sơn, sẽ không thể “làm ngơ” trước một đặc sản của vùng này, đó là món măng ngâm ớt cùng mắc mật tươi.
Người Lạng Sơn xem món măng ớt và mắc mật ngâm là món ăn quen thuộc có thể ăn cùng cơm, phở hoặc bất cứ món ăn gì hàng ngày. Thường thì khoảng tháng 6, tháng 7 mắc mật vào vụ chín, lúc ấy măng trên rừng cũng vào độ ngon nhất sau những cơn mưa đầu hè. Người ta sẽ chọn loại măng mai hoặc măng vầu no tròn, thái miếng. Mắc mật chín vừa độ và ớt loại quả nhỏ. Tất cả cùng ngâm với giấm, tạo ra một loại hương vị đặc biệt chỉ có ở vùng địa đầu tổ quốc này.
Cải ngồng Lạng Sơn
Ngồng cải là một thứ thân non của cây, có hoa màu vàng, mọc cao vổng lên, nếu ăn thường rất đắng. Cải ngồng Lạng Sơn thực ra cũng chỉ là thứ cải ngọt bình thường nhưng không biết do mầu mỡ của đất đai hay bởi sự chăm sóc khéo léo của người Lạng Sơn mà ngồng cải cứ mơn mởn xanh, lại ngọt và thơm đến thế.
Để ăn ngồng cải, người ta cũng chế biến như đối với các rau thường dùng: có thể xào, luộc hoặc nấu tuỳ ý thích mỗi người. Nhưng cách làm ngon nhất, hấp dẫn nhất vẫn là xào chung với thịt bò. Để có được đĩa cải ngồng xào thịt bò thơm ngon, cần phải chọn thứ cải có thân nhỏ xanh non, khi xào nhớ phải cho thêm gừng và không nên xào kỹ quá khiến thịt bò bị dai và cải mất đi vị thơm. Món xào này tốt nhất là nên ăn nóng. Vị ngọt thơm của ngồng cải lẫn mùi thơm của thịt, của gừng sẽ khiến người ăn phải vội vàng nếm thử ngay như sợ nếu không nhanh thì cái mùi vị hấp dẫn kia sẽ tan biến hết vào không gian.
Nem nướng Hữu Lũng
Nghe đến món nem nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món nem chua nức tiếng gần xa của Xứ Thanh. Nhưng nem nướng Lạng Sơn có hương rất đặc biệt (Chỉ có ở huyện Hữu Lũng).Hương thơm nồng cùng mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men quyện vào nhau, được nướng trên bếp than hoa cho cháy vỏ bọc bằng lá chuối trước khi bóc và cho ra đĩa.Nem được ăn kèm với lá cây Đinh Lăng cùng nước chấm chua, ngọt, cay tạo nên vị đặc trưng riêng chỉ có ở Lạng Sơn.
Ếch hương
Một đặc sản khác ở Mẫu Sơn là ếch hương. Đây là một loài ếch đặc biệt quý hiếm, có giá trị ẩm thực và kinh tế cao. Ếch hương sống trong hang hốc, ven các khe suối của xã Công Sơn, huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Giống ếch này không khác gì các loại ếch thông thường nhưng chúng có cặp đùi béo mập lớn hơn ếch đồng. Với khả năng biến đổi màu sắc để trốn tránh kẻ thù, có những con khi bắt lên có màu xanh như rêu, nên còn có tên là ếch xanh.
Thịt ếch trắng và rất thơm ngon, đặc biệt không hề có mùi tanh, kể cả khi đã nguội. Người ta còn dùng thịt ếch hương để nấu cháo, ngon và thơm không kém gì thịt gà. Nếu muốn, bạn có thể gọi ếch xào với su su, ếch lăn bột, ếch nấu chuối đậu cũng là những cách chế biến đơn giản mà hấp dẫn, được ưa chuộng nhất là món ếch chiên giòn.
Cá Hồi Mẫu Sơn
Sau khi được nuôi thử nghiệm nhiều lần không thành công do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, Trong những năm gần đây ông Hoàng Văn Tạ chủ nhà nghỉ Xứ Hoa Đào đã lặn lội đi khắp các địa phương có nuôi cá hồi để học tập kinh nghiệm về Mẫu Sơn Ông Tạ đã nuôi thử nghiệm thành công, mang thứ ẩm thực thượng hạng có nguồn gốc từ Châu Âu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của Khách du lịch, đồng thời tạo cho Mẫu Sơn một điểm tham quan mới, với những du khách muốn khám phá, tìm hiểu về quy trình kỹ thuật nuôi loài cá này, cũng như cung ứng nhu cầu thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ cá hồi Mẫu Sơn.
Đặc sản Lạng Sơn mua về làm quà
Rượu Mẫu Sơn
Là sản phẩm độc đáo, đặc sắc của vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc từ sản phẩm rượu gạo và nước nguồn tinh khiết do đồng bào Dao sinh sống ở độ cao 800 – 1000 m so với mặt biển, xung quanh khu vực núi Mẫu Sơn chưng cất, bằng loại men lá và phương pháp chưng cất truyền thống của dân tộc Dao hàng trăm năm nay.
Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển), thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: Cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp, đau lưng.
Mật ong rừng
Sự phong phú của các loài hoa rừng và sự cần mẫn của loài sinh vật chăm chỉ nhất thế giới động vật trong thời tiết, khí hậu Mẫu Sơn đã tinh luyện nên loại sản phẩm thiên nhiên có tác dụng bổ dưỡng đặc sắc này. Mật ong rừng càng để lâu càng thơm, kết tinh thành một thứ cao tự nhiên giúp tiêu hoá tốt, là thang của nhiều bài thuốc quý, tăng cường sinh lực, đặc biệt tốt cho trẻ em và tuổi già.
Bạn có thể mua được nhưng chai mật ong quý này ở Mẫu Sơn vào những ngày Thứ bảy, Chủ nhật do đồng bào đưa lên bán hoặc tại các nhà nghỉ ở Khu du lịch Mẫu Sơn.
Ngải cứu Mẫu Sơn
Một thứ thuốc tiên của vùng núi cao, không chịu mọc ở dưới độ cao 600m so với mặt biển. Thứ rau thuốc sạch tự nhiên này mang đầy hương vị độc đáo này có thể giúp bạn giải cảm, giúp tiêu hoá tốt, chống đau đầu. Sử dụng các phương pháp chế biến truyền thống, bạn có thể tạo ra nhiều thứ thức ăn – vị thuốc khác nhau.
Mọc ở bất kỳ chỗ nào có đất và chen lẫn cùng với các loài cây dại khác, điều đặc biệt là ngải cứu Mẫu Sơn có vị ngọt rõ ràng để lại trên đầu lưỡi sau khi ăn. Bạn có thể dùng lá ngải để làm da dạng thêm bữa ăn của mình như mì nấu ngải cho bữa sáng, canh ngải hoặc một món đơn giản khác là trứng ngải cứu. Bạn cũng có thể nhờ nhân viên khách sạn hướng dẫn cách làm bánh ngải của đồng bào người Tày, Dao hoặc mang về biếu người thân, bạn bè như một món quà du lịch độc đáo.
Đào Mẫu Sơn
Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, có mùi thơm dịu đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng
Hoa đào Mẫu Sơn đẹp một cách kín đáo. Mỗi bông hoa đào chỉ có 5 cánh, sắc màu phai và những cánh hoa dường như trong suốt. Điều thú vị là mặc dù nhiệt độ ở độ cao 1000m rất thấp, nhưng đào Mẫu vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng.
Chanh rừng Mẫu Sơn
Chanh rừng là loại cây đặc hữu của khu vực Mẫu Sơn, cây tán lớn, lá to nhưng quả nhỏ có vị thơm. Loại quả này thường được người dân dùng để ngâm làm gia vị dùng trong các bữa ăn. Ngoài ra chanh rừng còn được sử dụng làm thuốc để giải cảm, chữa ho rất tốt.
Rau Bò khai và Rau Sau Sau
Cây Bò khai còn có tên khác như rau Hiến, Dạ Yến, Khau hương, Phắc hiến (Tày), Lò Châu Sói (Dao). Rau bò khai thân leo, ngọn nhỏ mềm như sợi bún thường dùng xào chung với thịt bò hoặc bánh đa ăn giòn bùi rất thú vị. Cũng là sản phẩm của tự nhiên, rau ngót rừng bùi, giòn, ngọt nước với hương vị rất riêng.
Cây sau sau là loài cây thân gỗ, tán che phủ một vùng rừng rộng lớn, thường trổ búp non vào đầu xuân. Búp sau sau dùng như một loại rau sống, khi ăn thường được chấm với mẻ chua, vị bùi – chát – ngọt, hương thơm nồng nàn rất đặc biệt. Ở vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình), bà con có một thứ nước chấm “đặc chủng” tên là Xà đúc, ăn với rau sau sau rất tuyệt vời, một lần ăn, nhớ mãi không quên. Xà đúc được lấy nguyên liệu từ tuỷ của xương lợn, kết hợp với một số gia vị cả địa phương, ủ men lâu ngày mà thành.Hiện nay, ở các chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn như: Chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh, chợ Chi Lăng, có hàng trăm người dân tộc thiểu số ở Gia Cát, Hoà Cư, Cao Lâu (huyện Cao Lộc), Vân Thủy, Bản Thí (huyện Chi Lăng), thồ xe đạp, bán rong lá sau sau. Bạn có thể mua về xuôi làm quà biếu người thân.
Na Chi Lăng
Cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là lúc đến mùa na chín. Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyệ∆n Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây.
Na Chi Lăng mắt hồng,quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc. Để chuyển những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người ta đã làm những chiếc ròng rọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi nên đôi khi khách du lịch còn gọi đặc sản này là “na đu dây”. Để có thể vận chuyển đi khắp cả nước, na được thu hoạch trước khi chín khoảng 1 tháng bởi nếu đợi đến sát ngày chín mới thu hoạch thì na sẽ không thể bảo quản để vận chuyển đi xa được.
Mắc mật
Mắc mật còn gọi là hồng bì núi hay củ khỉ, dương tùng là một loại quả được phân bố ở một số tỉnh miển nùi phía Bắc Việt Nam. Quả mắc mật có thể ăn tươi hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn, lá mắc mật có tinh dầu thơm nên đường dùng làm gia vị trong các món vịt quay, lợn quay …Quả và lá mắc mật là loại gia vị quan trọng góp phần làm nên sự thành công của rất nhiều món ẩm thực nổi tiếng Xứ Lạng như Lợn quay, Vịt quay, Măng ớt…
Các sản phẩm từ cây Hồi
Là một loại cây quý đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn được trồng chủ yếu trên địa bàn các huyện Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia… Qủa Hồi, tinh dầu Hồi là một loại dược liệu quý trong đông y, cũng là gia vị độc đáo không thể thiếu trong các món ẩm thực phổ biến như phở, hoặc dùng để tẩm ướp các món ăn. Sản phẩm hoa Hồi Lạng Sơn được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như Pháp, Cannada, Trung Quốc… Hồi Lạng Sơn chiếm hơn 90% sản lượng hồi trên toàn quốc
Bánh khảo Tràng Định
Tại Tràng Định (Lạng Sơn), những ngày áp Tết hầu như gia đình nào cũng đóng bánh khảo để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, làm món ăn tiếp khách trong năm mới hoặc quà biếu người thân, bạn bè gần xa.
Bánh khảo là phong tục của người Tày, Nùng ở đây. Bánh khảo không chỉ là món ăn vặt, quà biếu mà còn được người dân dùng làm lương khô. Những người đi nương rẫy thường mang theo thứ bánh này ăn chống đói mà lại không bị ngấy sau những ngày Tết nhiều thịt, mỡ.
Hồng Bảo Lâm
Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc và các xã lân cận thuộc hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, hồng không hạt Bảo Lâm cho năng suất và chất lượng cao hơn, và đây cũng chính là “cái nôi” khai sinh ra loại quả này. Giống hồng đặc sản được trồng từ bao giờ thì không ai biết, ngay các vị cao niên đã trên 80 – 90 tuổi cũng không hay. Do vậy, có thể coi giống hồng không hạt Bảo Lâm là giống cây trồng bản địa của tỉnh Lạng Sơn.
Hồng không hạt Bảo Lâm có thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm; mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 – 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị này do các hạt lép tạo thành; mặt cắt dọc quả không có thớ, thịt quả mịn, hầu như không có đốm đen, không có hạt.
Quýt Bắc Sơn
Quýt trồng trên các thung lũng, sườn đồi của huyện Bắc Sơn từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi hương vị thơm ngon, đậm chất núi rừng.
Do được trồng trên một vùng rộng lớn ở huyện miền núi Bắc Sơn, quýt ở đây có hai loại là quả tròn và quả dẹt, phù hợp với thổ nhưỡng mỗi nơi. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả.
Các lễ hội văn hóa tại Lạng Sơn.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có 253 km đường biên, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia, cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa với nước láng giềng Trung Quốc. Đây là những nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hoá của tỉnh Lạng Sơn. Từ hàng nghìn năm, bằng ý chí độc lập tự cường dân tộc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những di sản văn hóa truyền thống Lạng Sơn đã trở thành nét tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, Lạng Sơn còn là địa phương lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian phong phú (truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ,…), mảnh đất hội tụ, giao lưu của 7 dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông,… Với những lợi thế về địa lý và truyền thống văn hóa sẵn có, văn hoá Lạng Sơn đã tạo được nét chấm phá riêng, độc đáo và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách mỗi khi đến với Lạng Sơn.
Xứ Lạng cũng là quê hương của biết bao lễ hội truyền thống hấp dẫn, thú vị. Trải qua hàng nghìn năm dựng làng, giữ nước, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã sáng tạo nên truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng. Từ chiếc nôi văn hóa ấy, lễ hội Lạng Sơn vừa mang đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam và vùng Việt Bắc vừa mang sắc thái riêng. Mỗi năm ở Lạng Sơn có hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ. Các lễ hội thường diễn ra vào mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hằng năm
Xem thêm bài viết : Các lễ hội đặc sắc tại Lạng Sơn
Một số lưu ý khi du lịch Lạng Sơn
- Các chợ ở Lạng Sơn nếu thấy khách du lịch sẽ hét giá rất cao, thế nên cứ mạnh miệng mà mặc cả vào nếu không bạn sẽ tha được về nhà một món đồ mà giá tương đương thậm chí cao hơn đó.
- Không nên mua đồ điện tử mà chỉ nên mua một số loại như chăn ga, quần áo … bởi đồ điện tử ở đây toàn bộ là đồ Trung Quốc chất lượng thấp, mua về sẽ gần như chẳng sử dụng được rồi thành ra mất tiền oan.
- Luôn mang theo hộ chiếu nếu bạn tới những khu vực cửa khẩu, biết đâu trong một số lúc ngẫu hứng bạn muốn qua bên kia biên giới chơi thì sao.
- Nếu lên Mẫu Sơn, nhớ gọi điện trước cho khách sạn báo số người và đặt đồ ăn trước để lên đến nơi không phải chờ đợi lâu, trên đó chỉ lúc nào có khách thì họ mới chuẩn bị thôi. Gợi ý cho các bạn ở nhà nghỉ Yến Yến, một căn nhà được xây trên sườn núi khá độc đáo với 3 mặt giáp rừng.
Lịch trình đi du lịch Lạng Sơn
Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn – Bắc Sơn
Tổng hành trình này khoảng 500km cho 3 ngày, các bạn có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Lịch trình này không phù hợp để sử dụng phương tiện công cộng.
Ngày 1: Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn
Từ Hà Nội đi lên Lạng Sơn, lượn lờ chơi quanh Tp Lạng Sơn chơi một số địa điểm như động Tam Thanh, Nhị Thanh
Chiều chạy xe lên thẳng Mẫu Sơn nghỉ ngơi. Nếu team đông có thể tổ chức đốt lửa trại, giao lưu buổi tối. Thưởng thức các món ăn ngon ở Mẫu Sơn. Đừng quên đặt trước nhà nghỉ ở Mẫu Sơn để bên nhà nghỉ còn chuẩn bị đồ ăn thức uống, trên đó buổi tối không có chỗ nào bán đồ ăn đâu.
Ngày 2: Mẫu Sơn – Hữu Nghị – Bắc Sơn
Sáng dậy ăn sáng dọn dẹp đồ đạc, mua một số đặc sản Mẫu Sơn làm quà rồi quay ngược về hướng Tp Lạng Sơn, đi thẳng đến Đồng Đăng ghé chơi cửa khẩu Hữu Nghị
Xong xuôi sẽ tiếp tục đi thẳng Bắc Sơn. Tối ngủ nhà sàn homestay ở Bắc Sơn, thưởng thức các món ăn ngon ở đây
Ngày 3: Bắc Sơn – Hà Nội
Sáng dậy thật sớm đi bộ lên núi Nà Lay để săn được ảnh thung lũng Bắc Sơn. Nếu đi vào dịp đông và muốn có chỗ đẹp để chụp ảnh chắc các bạn cần ở cả đêm trên núi luôn.
Săn ảnh xong xuôi có thể lượn lờ đi chơi thác Đăng Mò (cách trung tâm khoảng gần 30km).
Ăn trưa nghỉ ngơi xong thì xuất phát quay ngược về Hà Nội theo đường QL1B và QL3 (qua Thái Nguyên)
Hà Nội – Mẫu Sơn – Hà Nội
Do Mẫu Sơn là một địa điểm không quá xa nên các bạn có thể phượt một chuyến lên Mẫu Sơn chỉ trong vòng 2 ngày.
Ngày 1 : Xe máy từ Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn (200km) đường quốc lộ 4 lên Lạng Sơn khá đẹp nên thời gian đi lại cũng khá nhanh, nếu xuất phát từ sáng bạn có thể tranh thủ tham quan một số địa điểm du lịch ở Lạng Sơn trước. Chiều tối lên đến Mẫu Sơn nhận phòng khách sạn, dạo chơi quanh đỉnh núi chụp ảnh, tối có thể mua củi đốt lửa trại tiến hành một số hoạt động giao lưu. Nếu bạn đi xe khách từ Hà Nội lên Lạng Sơn thì lên đến nơi có thể thuê xe taxi lên thẳng Mẫu Sơn, nhớ thỏa thuận giá cả trực tiếp với lái xe luôn về điểm đến.
Ngày 2 : Dạo chơi quanh Mẫu Sơn, có thể trekking hoặc sử dụng xe máy đi vào một số bản người Dao trên đường xuống núi như Khuổi Cấp, Khuổi Tẳng, dạo chơi suối Long Đầu, ghé thăm núi Phặt Chỉ và Linh địa cổ Mẫu Sơn. Các địa điểm này các bạn có thể đi hầu hết trong vòng 1 ngày, chiều xuống núi và trở về Hà Nội.
Tìm trên Google :
- kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn 2021
- du lịch Lạng Sơn tháng 9
- tháng 9 Lạng Sơn có gì đẹp
- review Lạng Sơn
- hướng dẫn đi Lạng Sơn tự túc
- ăn gì ở Lạng Sơn
- phượt Lạng Sơn bằng xe máy
- Lạng Sơn ở đâu
- đường đi tới Lạng Sơn
- chơi gì ở Lạng Sơn
- đi Lạng Sơn mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Lạng Sơn
- homestay giá rẻ Lạng Sơn
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Top 10 ứng dụng hình nền động Windows 10 mới nhất – DeltaViet
- Full bộ ảnh á hậu Thư Dung Tuyệt Tình Cốc Đà Lạt nude 100%
- [Video] Cách tải video trên UC Browser về iPhone, Android đơn giản – Thegioididong.com
- Tắt tiếng Video background trongProshow Producer
- Top game cờ tướng trên máy tính, chơi offline, online