Đưa người ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bóng chiều không thắm, không vàng vọt, Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? Đưa người, ta chỉ đưa người ấy Một giã gia đình, một dửng dưng…
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ, Chí lớn chưa về bàn tay không, Thì không bao giờ nói trở lại! Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước Bây giờ mùa hạ sen nở nốt, Một chị, hai chị cũng như sen Khuyên nốt em trai dòng lệ sót (*).
Ta biết người buồn sáng hôm nay: Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay, Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! Mẹ thà coi như chiếc lá bay, Chị thà coi như là hạt bụi, Em thà coi như hơi rượu say.
Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**) Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm. Ly khách ven trời nghe muốn khóc, Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm (***). (1941)
(*) Có bản chép là “dòng lệ xót”.
(**) Có bản chép là “giá lên trăng”.
(***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo “Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95” (Hà Nội, 1989), trong một bản in “Tiểu thuyết thứ Bảy” (1940) có đoạn này.
“Tống Biệt Hành” là bài thơ nổi tiếng và được ưa thích nhất của Thâm Tâm. Có người không ngần ngại liệt nó vào một trong mười bài thơ tiền chiến hay nhất (1). Chục năm nay, “Tống Biệt Hành” cũng được xếp trong tuyển chọn năm mươi bài thơ trữ tình tiêu biểu của mười thế kỷ thơ ca Việt Nam (2).
Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào “Thơ Mới” thời 1930 – 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.
Đưa người, ta không đưa qua sông.
Từ bao đời nay, con sông, bến nước vẫn là địa điểm của những cuộc tiễn biệt. Chẳng những vì xưa kia, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân quê là chiếc thuyền. Con sông còn như một ranh giới, một vành đai bao phủ và che chở mỗi vùng làng mạc. Mỗi người, khi qua sông, cũng là lúc rời bỏ quê hương cùng gia đình và người thân của họ. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi dòng sông, con tàu đi vào tiềm thức mỗi người như một biểu tượng của giã biệt, xa cách. Trong thơ ca cũng vậy:
Anh Khóa ơi, Em tiễn anh xuống tận bến tàu… (“Anh Khóa”, Trần Tuấn Khải)
Biệt ly, Sóng trên dòng sông, Ôi còi tàu như xé đôi lòng, Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi, Càng lướt trôi. (“Biệt ly”, Dzoãn Mẫn)
Nhưng lần này, tác giả không đưa bạn mình qua sông. Vào những năm cuối của thập kỷ ba mươi, khi Nguyễn Bính viết “Những bóng người trên sân ga”, nhiều cuộc đi xa đã khởi đầu trên một bến xe, một sân ga nào đó.
Tuy thế hình ảnh con đò, bến nước trong văn chương và cuộc đời đã hằn sâu trong tác giả tự bao giờ, khiến anh phải thốt lên:
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Hỏi đấy, nhưng chỉ để bộc lộ nỗi lòng buồn bã pha chút vị ngây ngất của anh. Tiếng sóng ấy chưa đến độ như “tiếng đời xô động, tiếng hờn câm” ở đoạn kết, nhưng đã tựa như tiếng đàn khuấy động những cung bậc bi phẫn giữa người đi và kẻ ở.
Đã hay rằng “người” buồn đấy, còn “cảnh” ra sao? Buổi chiều ấy, dù “không thắm, không vàng vọt”, nhưng “đầy hoàng hôn trong mắt trong”, và có thể rất đẹp đấy. Nhưng nó vẫn đượm vẻ gì man mác vô định. Có điều, vào lúc ấy, nào ai còn để ý đến cảnh vật bên ngoài. Họ mải “giã gia đình” và “dửng dưng”. Đối với tác giả, chỉ còn người đi là tồn tại, anh chỉ “đưa người ấy”, ngoài ra mọi thứ khác nào có nghĩa gì.
Cuối cùng thì giờ phút chia tay cũng phải đến. Người đi hùng dũng lắm, hăng hái và hăm hở lắm:
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ, Chí lớn chưa về bàn tay không, Thì không bao giờ nói trở lại!
Anh thề thốt thật ghê! Người đọc không biết anh đi đâu, anh làm gì. Chắc sự nghiệp của anh lớn lắm. Có gì làm ta nhớ lại chàng Kinh Kha vào Tần qua sông Dịch lạnh tê tái, khảng khái làm hớp rượu, rồi bước thẳng không quay đầu lại:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn. (Gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh ghê, Tráng sĩ một đi chừ, không bao giờ về.)
Ta thấy anh đi khí thế thật đấy, nhưng sao cô đơn quá! Đi thì cứ đi, nhưng nào có rõ tương lai:
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Anh lên gân vậy thôi, chứ thực ra, anh thương mẹ lắm. Và khi đi, nào phải anh không day dứt. Anh còn chị, còn em. Những người chị “như sen” và người em “ngây thơ đôi mắt biếc”, đâu muốn anh đi. Hẳn nhà anh nheo nhóc và cực nhọc lắm, anh đi rồi, ai lo?
Tất nhiên, chí trai bốc đồng, anh tỏ ra quyết tâm lắm. Nhưng dễ thấy đó chỉ là vẻ bề ngoài. Kỳ thực, lòng anh thật mềm yếu. Anh đã buồn, chắc là từ lâu, chứ đâu phải chỉ từ “chiều hôm trước” với “sáng hôm nay”.
Và cảnh sắc bầu trời mùa hạ sang thu ấy thật đẹp. Anh nhất quyết phải từ giã gia đình, bạn bè trong khung cảnh ấy sao? Đích của anh nào có chắc chắn gì? Đâu phải anh không có những day dứt, ràng buộc bịn rịn?
Nhưng rồi anh vẫn dứt áo ra đi. Đi lúc nào mà người tiễn chẳng hay:
Người đi! Ừ nhỉ? Người đi thực!
Như một cơn mơ, lúc bừng tỉnh chẳng còn gì. Anh đã đi, đi thực. Làm người ở lại đắm trong nỗi thẫn thờ. Cuộc đời sao như tỉnh, như mơ! Đành phải chịu!
Tất cả dẫn đến một cao trào. Nhịp thơ trở nên gấp gáp, rắn rỏi, mãnh liệt, nhưng đượm vẻ chua chát và bi phẫn:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay, Chị thà coi như là hạt bụi, Em thà coi như hơi rượi say.
Anh muốn quên lãng đi mọi thứ. Quên đi cho hết nỗi sầu. Như người lữ khách trong “Chiều” của Hồ Dzếnh. Nhưng thử hỏi: có quên được không?
Mây tha đầu núi, gió lên trăng, Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Thời gian qua đi. Bóng hoàng hôn không còn nữa. Cơn lạnh và bóng tối trùm lên mỗi bước anh đi. Lúc ấy, người lữ khách còn lại một mình. Âm thầm. Lặng lẽ. Cái đích vẫn xa vời. Và nhuệ khí xưa đâu còn nữa. Anh muốn bật khóc, muốn gào lên tức tưởi:
Ly khách ven trời nghe muốn khóc, Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm…
Chẳng biết lúc ấy, anh trách ai? Trách mình, hay trách cuộc đời cay nghiệt?
*
Ông Hoài Thanh trong “Vài suy nghĩ về thơ” (3) đã thú nhận khi viết “Thi nhân Việt Nam”, ông rất khoái “Tống Biệt Hành”. Chẳng những vì “điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ” (4), mà chủ yếu bài thơ mang phong vị “bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. (5)
Không rõ “Tống Biệt Hành” có gì “khó hiểu”? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật “bâng khuâng”. Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh “mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng” (6) gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc.
Ít năm trước đây, nhà thơ Lương Trúc (7), một người bạn của Thâm Tâm, có tiết lộ rằng “Tống Biệt Hành” là bài thơ Thâm Tâm viết tặng ông khi ông đi hoạt động. Tạm cho là như vậy. Ở vào hoàn cảnh bấy giờ (1941), hành động cách mạng của những thanh niên độ tuổi hai mươi như họ, có thể coi là một sự dấn thân đầy mạo hiểm. Nó mang hình ảnh các tráng sĩ thời xưa, vào cuộc chiến “lạnh lùng theo trống dồn” (“Chiến sĩ vô danh”, Phạm Duy), với lòng hăng hái thiêng liêng “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (“Tây Tiến”, Quang Dũng). Và cũng chẳng khác gì mấy hình ảnh thật đẹp và oai hùng của lứa văn nghệ sĩ đầu tham gia kháng chiến, nửa thập kỷ về sau:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, Những phố dài xao xác hơi may, Người ra đi đầu không ngoảnh lại, Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. (“Đất nước”, Nguyễn Đình Thi)
… Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại Theo tiếng gọi của những người Hà Nội Trở về Trở về chiếm lại quê hương! (“Ngày về”, Chính Hữu)
*
Cuộc đời Thâm Tâm thật ngắn ngủi. Ông viết chưa nhiều (8). Cái chết cướp ông đi ở tuổi 33. Ông đã lao vào cuộc chiến đấu của dân tộc một cách nhiệt thành. Từng là biên tập viên tạp chí “Tiên phong” (1945-1946) rồi thư ký tòa soạn báo “Vệ quốc quân”, ở Chiến dịch Biên giới (1950), Thâm Tâm bị sốt rét nặng trong lúc không có thuốc men. Vô phương cứu chữa, ông bị bỏ lại trong một căn nhà sàn tại bản Nà Po cùng một người liên lạc. Anh này là người duy nhất có mặt khi ông qua đời và xin được bà con dân bản một mảnh vải trắng để làm khăn tang (8).
Cái chết của Thâm Tâm thật bi thảm. Nhưng nó cũng thật đẹp và bi hùng ở khía cạnh một tráng sĩ nơi sa trường. Đẹp và bi hùng như “Tống Biệt Hành” của ông vậy!
Chú Thích – Giới Thiệu Tham Khảo:
1. Vũ Quần Phương: Thâm Tâm và “Tống Biệt Hành” (“Quân đội Nhân dân”, 1990).
2. “Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95” (Hà Nội, 1989).
3, 4, 5. “Tuyển tập Hoài Thanh”, tập 2 (Hà Nội, 1983).
6. Vũ Cao: “Tản mạn dọc đường văn học” (“Văn nghệ Quân đội” tháng 6-1988).
7. Tên thật Phạm Quang Hòa, sinh năm 1915. Xin xem thêm bài của Hoàng Tiến: “T.T.Kh. là ai?” (“Nhân dân Chủ nhật” ngày 16-7-1989).
8. Sinh thời, thơ Thâm Tâm chưa được in thành tập. Mãi đến năm 1988, tập “Thơ Thâm Tâm” sưu tầm một số thi phẩm tiêu biểu của ông mới được ấn hành.
9. Theo Từ Bích Hoàng: “Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học”, tập 1 (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội 1985).
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Free Windows 7 Ultimate Product Key 2021 100% Working
- Hướng dẫn 3 cách vệ sinh loa iPhone ngay tại nhà Thủ thuật
- Life Is Strange Before The Storm Việt Hóa, Tải Game Life Is Strange Before The Storm
- Virtual CloneDrive -Download- Tải về – Công cụ tạo ổ đĩa ảo lưu trữ dữ
- Những đồng coin sắp lên sàn 2021 và các đồng coin triển vọng 2021