“Em không thích đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, câu nói của ‘thần đồng’ Đỗ Nhật Nam khiến nhiều người bất ngờ và hiện đang gây ‘bão’ trên các diễn đàn.
Với nhiều người, cái tên Đỗ Nhật Nam hẳn không còn quá xa lạ và sự đa tài của cậu bé đã được công nhận từ lâu. Nhưng khi nghe ‘Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam’ trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhiều độc giả đã vô cùng bức xúc, thậm chí phản ứng mạnh với cách bộc lộ con người cũng như quan điểm của em về nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Khi được hỏi: Em có thích chơi những trò giống các bạn cùng tuổi Việt Nam và đọc những cuốn sách bạn bè hay đọc không? Nhật Nam cởi mở chia sẻ: “Đọc những cuốn sách như các bạn hay đọc thì không nhưng em thích chơi cầu lông và một số môn thể thao khác…. Sách các bạn đọc là truyện tranh còn em không thích đọc các loại truyện tranh lắm. Em thích đọc sách về tin học, xã hội, chính trị và khoa học…”.
Nhật Nam dành cho sách một tình yêu đặc biệt, vì thế, trong căn phòng của em, sách chiếm diện tích lớn. Em có một tủ ‘tài liệu mật’ lưu giữ những quyển sách quý mà em vô cùng ưa thích. Nam mê sách và có thể ngồi ‘đồng’ cả ngày đọc sách, ngâm cứu về chính trị, xã hội… nhưng em không đọc truyện tranh. Với Nhật Nam ‘mặc dù truyện tranh đôi lúc cũng có tác dụng nhưng như mẹ em nói, đó là những con sâu đục khoét tâm hồn’.
Câu nói này của Nhật Nam khiến nhiều người ngã ngửa vì quá ngạc nhiên, bởi truyện tranh là món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em. Nhưng Nhật Nam chỉ xem đó là ‘con sâu đục khoét tâm hồn’.
Clip Nhật Nam trả lời phỏng vấn
Nhận xét về chia sẻ của Nhật Nam, một số độc giả cho rằng em quá tự tin vào bản thân, có phần hơi chảnh và cách nói chuyện thì ‘một người 28 tuổi như mình chưa chắc đã nói lưu loát và văn vẻ được như thế’, bạn Hoàng Quân nói. Em trò chuyện với người lớn nhưng lại không ngồi ngay ngắn và nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi giao tiếp là đáng trách. Và rằng, em quá chủ quan, sách vở, phiến diện… nói chuyện ‘cụ non’ không hợp tuổi trong phần đa các câu trả lời.
“Em bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn?” Vâng, nhưng tôi nghĩ chắc em cũng biết con bướm xinh đẹp bao nhiêu, kỳ diệu bao nhiêu thì cũng từ con sâu mà ra đấy em ạ”, một độc giả có nickname là ‘Tôi yêu Bách khoa’ phản bác.
Đồng quan điểm với bạn ‘Tôi yêu Bách khoa’, mẹ Nhím (email: ha_nguyen…@…) cũng rất bức xúc và cho rằng, nhận thức của Nam còn quá hạn hẹp nên xem truyện tranh chỉ chăm chăm vào cảnh bạo lực, máu me, hở hang? “Mẹ Nhật Nam có lẽ đã khiến con đánh mất tuổi thơ rồi! Với mình và nhiều bà mẹ mình biết, chỉ mong con có tuổi thơ bình thường: ôm truyện Doremon đọc và cười khoái trá, sáng ra nũng nịu mẹ khi dậy đi học…”, Mẹ Nhím nói.
Không quá gay gắt, độc giả Phong Nguyen sau khi xem clip cuộc phỏng vấn Nhật Nam thì nhẹ nhàng nhận xét rằng, 11 tuổi mà nói như 1 ông cụ non cũng có cái quá của nó. Sách mang lại tri thức, đam mê, giàu sang… nhưng tuổi thơ là cái không đồng tiền và giá trị nào mang lại được. Có người đặt trọng vào tiền đồ… Còn có người nghĩ một đời người ngắn ngủi, và tuổi thơ là cái không nên đánh mất.
“Đúng, em là thần đồng. Nhưng nói gì thì nói ở cái tuổi này mà em chỉ đòi đọc sách thì chắc em sẽ không biết tuổi thơ như bọn anh nó đẹp đến mức nào, muôn màu,.. Lấy 1 ví dụ, 2 đứa trẻ con chơi với nhau nó có thể cãi nhau, bo xì nhau bất cứ lúc nào nhưng sẽ nhanh chóng chơi lại với nhau ngay, còn với cách nói chuyện hết sức chững chạc như em thì bạn bè em anh nghĩ sẽ không có nhiều đâu… hãy cố gắng làm trẻ con 1 tí đi em! Lúc đó em sẽ thấy cuộc đời này còn đẹp còn nhiều điều nó thực tế hơn sách đó”, độc giả huynhphu hien nói.
Phát ngôn của Nhật Nam đang gây bão lớn trên mạng.
Tuy nhiên, một số độc giả khi xem clip tỏ ra thích thú và ủng hộ Nhật Nam nhiệt tình. Họ cho rằng, không nên nghĩ Nhật Nam không có tuổi thơ và em thực sự là ‘thần đồng’. Đã là ‘thần đồng’ thì chắc chắn sẽ có những tư duy và lối sống khác biệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Việc ‘ném đá’ Nhật Nam khi chưa hề trò chuyện, tiếp xúc với em có công bằng? Em có đáng bị lên án và phán xét gay gắt? Và người xem có nhìn nhận vấn đề theo số đông?
“Lúc đầu đọc những comment của các bạn, mình cứ nghĩ rằng clip này chắc là có gì đó quá đáng lắm. Nhưng khi xem xong thì mình cảm thấy rất thích thú, ấn tượng và khâm phục em. Các bạn thử so sánh một đứa trẻ cùng tuổi ở thành phố với một đứa trẻ ở nông thôn xem? Bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt trong cách ăn nói, suy nghĩ và hành động. Những em ở thành phố, với môi trường tốt hơn nên các em cũng phát triển hơn. Nhật Nam cũng vậy.
Mình chẳng thấy khuyết điểm nào ở em cả, tin rằng nay mai em sẽ thành công hơn nữa!”, bạn đọc Doanh Trí nhận định.
“Nhật Nam à! Tuy cô không hoàn toàn ủng hộ việc cháu trưởng thành sớm nhưng cô luôn coi cháu là tấm gương sáng về tài năng, nghị lực để con trai cô học tập và noi theo. Hãy đứng vững Nhật Nam nhé! Lúc này có thể nhiều người chưa hiểu cháu, phản đối ý kiến của cháu… nói cháu thế này, thế kia… nhưng cô luôn có niềm tin vững chắc vào cháu. Không thể để búa rìu dư luận làm mình quỵ ngã, hãy vững vàng. Cô tin cháu sẽ làm rạng danh đất nước”, mẹ Hoàng Anh (email: anhhoang…@…)
Sinh năm 2001 tại Nhật Bản, Nhật Nam từng tham gia chương trình Chúc bé ngủ ngon (VTV3), MC cho Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé (VTV2). MC, “ca sĩ nhí”, “giáo viên” dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ đang điều trị tại khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương.
Năm 7 tuổi, chỉ trong một thời gian cực ngắn, Nhật Nam hoàn thành xong hai chứng chỉ Starters, Movers của ĐH Cambridge với số điểm tuyệt đối. Cũng trong năm này, cậu bé xác lập kỷ lục ‘Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam’.
Nhật Nam cười rạng rỡ khi chụp hình cùng bố mẹ
Năm 2010, Đỗ Nhật Nam là học sinh lớp 4 lập thêm hàng loạt thành tích mới: tháng 4, đoạt giải nhất cuộc thi tiếng Anh do Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Trung tâm Việt Anh phối hợp tổ chức; tháng 5, thi chứng chỉ TOEFL đạt 533 điểm; tháng 9, dự thi tiếng Anh YLE (Young Learners English Tests) do Đại học Cambridge tổ chức cho học sinh 8 ~ 12 tuổi, Nhật Nam đạt điểm tuyệt đối cấp độ Flyers. Ngoài ra, cậu bé còn có điểm số thi TOEIC 940/990, IELTS 6.5/9.0.
T.S Đỗ Xuân Thảo (bố bé Nhật Nam) là người gốc Hà Nam, từng học hệ đặc biệt khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện nay là Phó Giáo Sư (PGS) Tiến sĩ (TS) Ngôn ngữ học. Còn mẹ Nhật Nam là Phan Thị Hồ Điệp, người gốc Hải Phòng và hiện là giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm.
Bích Hạnh (Video: Tuổi Trẻ)
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Sửa lỗi iPhone không lên màn hình như thế nào? – Tự áp dụng trước khi mang đi sửa
- Có bao nhiêu số tự nhiên có 2 chữ số mà cả hai chữ số đều lẻ?
- 11 phim võ thuật hay đỉnh cao chắc chắn làm bạn say mê
- Cách lấy lại video đã xoá trên iPhone, iPad vĩnh viễn
- Tổng hợp danh sách các trang web cung cấp tài khoản premium miễn phí, hỗ trợ người dùng do Covid-19 (full-list)