Ở miền Tây Nam Bộ Vườn quốc gia U Minh Hạ là nơi còn nhiều rừng nhất. U Minh Hạ được coi là “Vương quốc rắn hổ mây khổng lồ”. Đây cũng là nơi phát tích nhiều chuyện rùng rợn về rắn hổ mây, gồm cả những câu chuyện vừa thực, vừa hư, vừa đậm chất bác Ba Phi. Tìm hiểu về rắn hổ mây khổng lồ, không thể không tìm về đại ngàn U Minh Hạ.
Các bài viết về rắn hổ mây khổng lồ:
>>> Rắn khổng lồ tu luyện thành tinh trên núi Cấm và những cuộc chạm trán kinh hoàng
>>> Thợ săn đối mặt rắn khổng lồ và những chuyện kinh dị về loài bò sát bí ẩn ở núi Cấm
>>> Những chuyện thần bí về đạo sĩ ẩn tu giữa rừng 2 lần hạ sát rắn hổ mây khổng lồ
Kỳ 1: Những câu chuyện dựng tóc gáy ở U Minh Hạ
Mặc dù tên vườn quốc gia là U Minh Hạ, nhưng trung tâm của vườn và trụ sở ban quản lý lại ở huyện Trần Văn Thời. Xưa kia, rừng U Minh Hạ rộng mênh mông, đến sát nách TP. Cà Mau. Nhưng quá trình di dân, khai phá, rồi hàng loạt vụ cháy rừng diễn ra trong suốt mấy chục năm, mà rừng tràm nguyên sinh co lại, chỉ còn tập trung nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời.
Hiện tại, theo con số mới nhất, rừng tràm U Minh chỉ còn 55 ngàn héc-ta. Trong đó, quy hoạch Vườn quốc gia U Minh Hạ rộng hơn 8.200 héc ta, nằm ở huyện Trần Văn Thời. Trong số diện tích đó, thì vùng bảo vệ nghiêm ngặt chỉ còn 1.600 héc-ta, có tên là rừng Vồ Dơi, thuộc xã Trần Hợi.
Rừng Vồ Dơi là rừng tràm nguyên sinh ngập nước, vẫn còn tồn tại đầy đủ các loài động thực vật đặt trưng của rừng tràm, gồm heo rừng, nai, tê tê, khỉ, rắn chúa, rắn hổ mây, trăn đất, trăn hoa… Chính vì thế, những câu chuyện về rắn hổ mây khổng lồ ở địa bàn xã Trần Hợi vẫn là vấn đề mới mẻ, thời sự nhất.
Đường về hòn Đá Bạc, một bên là con sông đào thẳng tít tắp, một bên là đại ngàn U Minh với những thân tràm thẳng tắp cao ngất nghểu. Thi thoảng mới thấy một nếp nhà tạm, lợp gianh như chuồng gà, chuồng vịt ẩn hiện trong rừng.
Mấy ngày lang thang ở rừng U Minh Hạ, đặc biệt ở khu vực xã Trần Hợi, tôi thu lượm được vô số chuyện về rắn hổ mây khổng lồ. Những câu chuyện về rắn hổ mây mang hơi hướng chuyện bác Ba Phi. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, đến những cụ già tóc bạc cũng đều kể vanh vách.
Ngoài rắn hổ mây, thì Vườn quốc gia U Minh Hạ cũng là vương quốc của lươn và cá lóc. Vùng rừng ngập nước được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm người ra vào này là nơi lúc nhúc cá, lươn. Những con lươn to bằng cổ tay nổi đầu thở bóp bép trên mặt nước, với cái thân lõng thõng trong làn nước trong. Cá lóc nhiều vô kể.
Đặc sản của vùng này là cá lóc nướng trui. Đồng chí kiểm lâm tóm con nhái vào lưỡi câu gắn cục chì nhỏ, quăng ở con rạch trong rừng, kéo con nhái nhảy chòm chọp trên mặt nước một lát, thì giật lên mấy chú cá lóc giãy đành đạch.
Cá lóc nướng trui rất đơn giản. Cá lóc sống nguyên, được xuyên vào cành tre, rồi nướng trên lửa rơm. Hoặc chỉ việc trải rơm, xếp cá lên, rồi châm lửa như thui chó. Cá lóc chín, nhỏ mỡ cháy xèo xèo, gạt lớp tro, đập tay bồm bộp cho sạch. Thế là, lá chuối trải ra, tay không gỡ miếng cá nóng bỏng, chấm muối ớt. Chỉ thế thôi, mà cũng tốn mấy xị rượu. Rượu tưng bừng rồi, những câu chuyện miên man về rắn chẳng bao giờ ngớt.
Ông Mười Nhớt, hiện 80 tuổi, thợ săn rắn kỳ cựu ở vùng U Minh là người gặp rắn khổng lồ rất nhiều. Nhà ông ở khu vực Cây 5. Cả thời trai trẻ ngang dọc trong rừng, rồi lại tiếp xúc với những bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó có nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mây tấn công, nên ông nắm được vô số chuyện về rắn hổ mây. Anh em kiểm lâm, kể cả lãnh đạo Vườn quốc gia, khi tìm hiểu về rắn hổ mây, cũng phải tìm ông để hỏi. Ông chính là kho chuyện về loài rắn to khủng khiếp ở vùng tràm ngập nước này.
Theo ông Mười Nhớt, thì người kể chuyện về rắn hổ mây hay nhất chính là bác Ba Phi, một tay nói dóc nổi tiếng xứ Nam kỳ lục tỉnh. Bác Ba Phi quê ở xã Khánh Hải, tận ven biển, nơi rừng tràm trùm kín. Những câu chuyện về rắn hổ mây qua miệng bác Ba Phi đã trở nên nổi tiếng và hầu hết dân cư vùng rừng rú U Minh đều thuộc nằm lòng.
Chuyện rằng, ngày xưa, trong rừng U Minh Hạ, ở khu Vồ Dơi, là nơi ẩn náu của những con rắn hổ mây khổng lồ. Không ai biết những con rắn này sống ở đây từ thời nào, nhưng từ mấy trăm năm trước, khi cha ông đến vùng đất này, đã thấy chúng quần cư ở đây. Loài rắn này tuy lớn nhưng lại hiền lành. Chúng và con người sống hòa bình với nhau.
Đất của người người sống, của rắn rắn ở, không xâm phạm đến nhau. Bọn rắn săn mồi cũng nhàn nhã. Chúng chỉ việc dựng thân mình qua ngọn cây, há miệng toang hoác. Đàn chim tưởng cây lớn, chui vào miệng đậu, làm tổ, thế là bị nuốt chửng. Những khi no mồi, rắn nằm ngủ trong rừng, mấy bác thợ săn tò mò lén tới ôm thử, thấy chu vi vòng bụng của chúng hết ba vòng tay người lớn.
Chẳng rõ có ai nhìn thấy rắn khổng lồ hổ mây tát kênh bắt cá hay không, nhưng chuyện rắn hổ mây là cao thủ bắt cá thì ai cũng kể vanh vách. Chuyện rằng, vào mùa khô, nước ở U Minh rút dần, cá tụ vào những vũng nước trũng ở các con kênh.
Bọn rắn khổng lồ bò đi tìm những đoạn kênh lúc nhúc cá. Lặn xuống vũng nước mò từng con mà ăn thì không biết bao giờ mới đủ no, nên nó quấn đầu và đuôi vào thân cây, phần thân thả võng xuống vũng nước. Bụng nó thóp lại như cái gầu, rồi thân rắn cứ thế đung đưa, tát một lúc thì cạn cả mương, tha hồ ăn cá.
Những thợ rắn đụng mặt rắn khổng lồ
Ông Mười Nhớt năm nay tròn 80 tuổi, là bậc trưởng lão ở đại ngàn Vồ Dơi, hiểu biết sâu sắc về loài rắn khổng lồ. Ngay cả cán bộ kiểm lâm, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh về U Minh tìm hiểu về hệ động thực vật, cũng đều tìm đến ông Mười Nhớt để thu thập thông tin.
Vốn có kinh nghiệm ngót 50 năm là thợ săn rắn, nên không giống loài nhà rắn nào ở U Minh mà ông không biết. Không những thế, ông còn là thầy chữa rắn độc cắn giỏi nổi tiếng vùng U Minh, nên càng thông hiểu về rắn.
Đem những câu chuyện bác Ba Phi kể về rắn tới gặp ông Mười Nhớt, nhưng ông Mười Nhớt chẳng hề cười. Ông bảo, ông rất buồn khi người đời nghĩ rằng chuyện bác Ba Phi kể về rắn hổ mây là bịa tạc, tiếu lâm. Theo ông, những chuyện bác Ba Phi kể đều có thật, chỉ có điều, bác kể phóng đại lên cho vui. Còn rắn khổng lồ ở U Minh là loài có thật.
Xưa kia, rắn khổng lồ xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng thuộc U Minh Hạ và U Minh Thượng. Ông Mười Nhớt gặp chúng ở nhiền nơi, tuy nhiên, vùng rừng rậm rạp Vồ Dơi chính là vương quốc của loài rắn khổng lồ này, nên ông gặp chúng thường xuyên. Rắn hổ mây không to đến mức 3 người ôm, nhưng thân bằng cái phích là chắc chắn.
Theo ông Mười Nhớt, loài rắn hổ mây thường đi thành cặp. Con đực có vòng thân nhỏ hơn con cái một chút, nhưng lại dài hơn và đen hơn. Khi cặp rắn này phối hợp săn mồi, thì cánh rừng lao xao, khiến các loài vật trong rừng náo loạn.
Ông Mười Nhớt cho rằng, sở dĩ con người ít chạm mặt rắn khổng lồ, vì loài rắn này rất sợ con người. Dù chúng lớn như vậy, dễ dàng giết chết con người bằng một cú mổ, nhưng hễ thấy con người là chúng nằm im, hoặc chạy trốn. Bình thường, chúng thường ngóc đầu lên để quan sát, hễ thấy bóng dáng con người là chúng chuồn êm. Con người chỉ có thể gặp chúng khi chúng đang nuốt mồi, hoặc ăn no nằm ngủ.
Lần cuối cùng ông Mười Nhớt gặp hổ mây khổng lồ là năm 1985, ở khu Vồ Dơi. Hôm đó thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa, ông Mười Nhớt xách đồ nghề vào rừng kiếm rắn về bán. Trời nóng, bọn rắn mệt nằm trú trong bóng râm, nên bắt chúng khá dễ dàng. Ông Mười Nhớt lững thững đi men theo con rạch trữ nước cản lửa chống cháy để vào sâu trong rừng. Con mương đào dẫn đến tận lõi rừng Vồ Dơi. Hết con mương thì đến con đường mòn mà người đi rừng tạo thành.
Từ xa, ông Mười Nhớt thấy một khúc cây bằng cái phích vắt ngang đường. Mấy hôm trước vừa đi qua con đường này, không thấy khúc cây nào cả, mà giờ lại có khúc cây to tướng vắt ngang đường, nên ông Mười Nhớt lấy làm lạ lắm.
Tiến đến gần, ông Mười Nhớt rụng rời tay chân, mặt cắt không còn giọt máu khi phát hiện khúc cây có vảy lấp lánh, lại lên màu hơi vàng mốc. Là thợ săn rắn, nên ông chắc chắn rằng đã gặp hổ mây khổng lồ.
Chị Út Lê
Biết rằng con hổ mây này đang phơi nắng ngủ say, nên ông Mười Nhớt lấy lại tinh thần. Tự dưng trí tò mò nổi dậy, nên ông nhẹ nhàng tìm hiểu về kích cỡ con rắn này. Ông không đủ can đảm thử đo thân nó, như các thợ săn trong truyện bác Ba Phi, nhưng ông nhẹ nhàng lần về phía đuôi nó, xem dài cỡ nào. Qua quan sát, ông Mười Nhớt cũng tính toán được chiều dài của nó phải ngót chục mét.
Biết rằng, loài hổ mây thường đi theo cặp, theo đôi, sợ gặp con nữa, nên ông Mười Nhớt bỏ về thẳng, không dám vào khu vực đó bắt rắn nữa. Sau vụ chạm mặt rắn khổng lồ ấy, phải đến hơn tháng sau ông Mười Nhớt mới hoàn hồn, tiếp tục vào U Minh bắt rắn. Chỉ có điều ông tránh xa khu vực mà ông gặp con rắn khổng lồ nằm ngủ.
Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cũng từng bỏ nhiều thời gian, công sức tìm hiểu về loài rắn hổ mây khổng lồ, mang nhiều hơi hướng huyền thoại ở U Minh. Ông đã gặp rất nhiều người chạm mặt loài rắn này.
Ông Ba Hoàng, Mười Nhớt, Tư Nhớt, Hai Sanh, Ba Vinh, Hai Tây, Mười Ngọc… đều là những người nắm cả kho chuyện về rắn khổng lồ ở U Minh. Ông Thế cũng đã từng gặp trực tiếp và cho nhân viên gặp những nhân vật này để thu thập tư liệu về rắn hổ mây cùng các loài động vật hoang dã trong rừng U Minh và những nhân vật này đều khẳng định rắn hổ mây là loài có thật.
Ông Thế hướng dẫn tôi tìm gặp ông Hai Tây, là thầy chữa rắn nổi tiếng, một võ sư danh bất hư truyền, lại có cả cuộc đời sống, chiến đấu trong đại ngàn U Minh, nên ông nắm rất rõ về rắn hổ mây.
Đi cắt qua con đường lầy lội vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ, thì chúng tôi tìm thấy nhà chị Nguyễn Thị Lê, còn gọi là Út Lê. Chị Lê bảo, ba chị vốn sống cùng vợ chồng chị, nhưng vừa rồi Nhà nước cấp cho ít tiền, lại được người con cả tài trợ, nên dựng nhà về ấp để sinh sống. Nhắc đến chuyện rắn hổ mây, chị Lê vừa lộ ánh mắt sợ hãi, vừa hào hứng.
Theo chị, năm 1981, gia đình vỡ nợ, bị chủ nợ truy lùng gắt gao, nên ba má đưa chị trốn vào rừng U Minh. Khi đó, các anh, chị đều đã lấy vợ, lấy chồng ở riêng, còn mỗi Út Lê, mới 18 tuổi, chưa có chồng, nên phải theo ba má.
Ba chị, ông Hai Tây thông thuộc rừng U Minh như lòng bàn tay, nên dắt hai mẹ con vào tận rừng Vồ Dơi, giờ là vùng lõi của vườn quốc gia để dựng nhà sàn sinh sống. Khu vực đó chỉ có rắn rết, khỉ, heo, chẳng có bóng người ra vào. Nơi đó rắn hổ mây nhiều, nên thợ săn rắn cũng hãi, không dám mò đến. Tất nhiên là các chủ nợ cũng chẳng biết đường nào mà tìm ông Hai Tây.
Sống giữa bầy rắn, nên mẹ con Út Lê chẳng dám ra khỏi nhà. Ông Hai Tây dắt tới 10 con chó săn, toàn con hung dữ vào rừng. Bầy chó lúc nào cũng luẩn quẩn quanh nhà để bảo vệ hai mẹ con Út Lê. Riêng ba chị thì chẳng sợ gì, chỉ đeo cây phát bên mình là đi ngang dọc trong rừng kiếm đồ ăn.
Ngày đó, chỉ đi khỏi nhà vài chục mét, là bắt được đủ thứ đồ ăn. Ông Hai Tây bẫy được đủ các loại heo rừng, nai, hoẵng, chồn, cầy. Tê tê nhiều vô kể. Ông Hai Tây chỉ việc xua chó vào rừng, thấy chó kêu thì chỉ việc chạy đến tóm tê tê. Hễ gặp chó, tê tê liền chúi đầu đào hang. Khi nó còn đang mải miết đào bới, thì thợ săn thò tay vào hang, cầm đuôi nó kéo ra là tóm được. Tê tê nhiều đến nỗi ăn mãi phát sợ, nên ninh nhừ thịt tê tê cho lợn ăn.
Video: Vào “vương quốc rắn độc” ở Hoàng Liên Sơn
Chị Út Lê kể: “Đàn chó săn hung dữ có tới 10 con, nhưng một năm sau thì chẳng còn con nào. Cứ nghe thấy tiếng ào ào ở rừng tràm, rồi tiếng chó ăng ẳng kêu, là y rằng hắn hổ mây khổng lồ bắt mất chó. Nhiều lần tui nhòm mắt qua khe cửa, thấy con hổ mây thân hơi vàng lao trên ngọn cây. Đến sát nhà tui, nó ngóc đầu, bành mang, nhìn phát khiếp. Bọn chó săn nhà tui cũng không vừa, xông ra sủa inh ỏi. Thế nhưng, nó há miệng đớp ngang lưng con chó tha đi mất”.
Chị Út Lê khẳng định rắn hổ mây là loài có thật và to lớn. Sống chui lủi trong rừng Vồ Dơi 10 năm trời, chị nhìn thấy hổ mây cả trăm lần. Nhưng điều lạ lùng, mà đến giờ chị vẫn không hiểu nổi, là vì sao chúng không ăn thịt người. Nếu chúng muốn, chúng có thể xơi mẹ con chị bất cứ lúc nào. Để khẳng định hổ mây là loài có thật 100%, chị Út Lê đã không quản đường xa, dẫn tôi mười mấy cây số đi tìm ba chị, tức ông Út Tây.
Đoạn đường đến nhà ông Út Tây chừng 15km, mà chúng tôi đi xe máy mất ngót một giờ đồng hồ. Con đường nhỏ xíu, chỉ đủ một xe đi, cứ dài hun hút. Ông Hai Tây gần trăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh, phong độ, minh mẫn. Ông vẫn hái thuốc cứu người, đặc biệt là những người bị rắn cắn. Ông khẳng định có bài thuốc cải tử hoàn sinh cho người trúng nọc rắn. Có nghĩa là, nếu ai bị rắn độc cắn, chết một lúc rồi, ông vẫn cứu được. Câu chuyện chữa rắn cắn của ông mang nhiều màu sắc liêu trai, kỳ bí.
Ở vùng U Minh này, nhắc đến ông Hai Tây, chẳng ai không biết. Riêng tên thật Nguyễn Văn Đã của ông, thì lại chẳng mấy ai hay. Sở dĩ người dân vùng U Minh gọi ông bằng nghệ danh đó, vì ông to lớn như Tây, lại nổi tiếng đánh Tây ở vùng U Minh này. Để khẳng định mình không bịa tạc về loài rắn hổ mây khổng lồ, ông Hai Tây lọ mọ vào phòng trong, lôi ra chiếc áo đính đầy huy chương.
Chỉ tay vào chiếc áo trang trọng đó, ông nói một cách khảng khái: “Lấy danh dự của người lính cụ Hồ, tui khẳng định với nhà báo rằng, rắn hổ mây khổng lồ là có thiệt, chớ không phải chuyện dóc của bác Ba Phi. Rắn hổ mây là loài mà tui giáp mặt cả ngàn lần trong rừng U Minh rồi. Rừng Vồ Dầu chính là địa bàn tụ tập nhiều nhứt của hổ mây”.
Thời trẻ, ông Hai Tây ở nhà chăn trâu cho địa chủ. Năm 19 tuổi, ông có duyên gặp võ sư Trần Văn Anh ẩn tu trong đại ngàn U Minh. Vị võ sư này nhận ông Hai Tây làm đệ tử, truyền cho võ nghệ và những bài thuốc, đặc biệt là thuốc trị rắn cắn. Giỏi võ, nên ông Hai Tây đi lại hiên ngang trong rừng, chẳng sợ bất cứ con gì.
Năm 1945, căm thù giặc dã giày xéo quê hương, nên ông Hai Tây tham gia bộ đội, theo những chí sĩ yêu nước hoạt động ở vùng U Minh. Khi đó, ông Hai Tây chiến đấu cùng ông Phạm Hùng. Thấy Hai Tây giỏi võ, nên ông Phạm Hùng phân công bảo vệ ông Phan Trọng Tuệ.
Là cán bộ căn cứ U Minh Hạ, ngang dọc trong rừng, nên không góc rừng nào ở U Minh mà ông không nắm rõ. Đất nước Hòa Bình, ông làm cán bộ ở Ban Kinh tế mới tỉnh Minh Hải. Năm 1980 ông về hưu. Ông làm ăn riêng, nhưng vỡ nợ, nên lại tiếp tục trốn vào Vồ Dơi sống thêm chục năm nữa. Như vậy, tính ra, gần như cả cuộc đời ông gắn với rừng sâu U Minh Hạ. Vì thế, ông khẳng định rằng, ông là người chạm mặt rắn khổng lồ nhiều nhất và hiểu biết về loài rắn này cũng nhiều nhất.
Theo ông Hai Tây, không chỉ gặp rắn đi săn, gặp rắn khổng lồ đang ngủ, mà ông còn phát hiện ổ rắn khổng lồ và chính ông đã nhảy vào ổ rắn nằm chơi một lát.
Hồi đó chừng năm 1960, ông mắc võng dưới rừng tràm ngủ trưa. Đang thiu thiu ngủ, bỗng tiếng khỉ ríu rít, náo loạn, rồi tiếng lao xao từ xa vọng lại. Đàn khỉ chạy nhảy, đu cây nháo nhác trên đầu, rồi tụ vào một chỗ. Con nào con nấy run lẩy bẩy, ánh mắt thất thần.
Cặp hổ mây khổng lồ vắt từ cây nọ sang cây kia, ngóc đầu nhìn đàn. Hai con lao vào đớp khỉ. Bầy khỉ thấy rắn hổ mây thì sợ vỡ mật, cứ co rúm lại. Chúng mổ khỉ, rồi lại nhả ra. Những con khỉ tội nghiệp trúng độc rớt xuống đất giãy đành đạch, sùi bọt mép.
Giết hại lũ khỉ rồi, hai con rắn khổng lồ mới thư thả nuốt con mồi. Ở hoàn cảnh đó, nhưng ông Hai Tây không hề sợ hãi. Súng đeo trên vai, dao phát lăm lăm trong tay, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, cặp rắn này chỉ nhìn ông một lát, rồi bỏ đi. Trí tò mò nổi lên, ông Hai Tây lặng lẽ đi theo cặp rắn.
Đi chừng hơn giờ đồng hồ, thì xuất hiện một ụ đất cao, với chằng chịt các loại dây leo, lá lẩu vây kín, trông như một đống rơm khổng lồ. Ụ đất ấy hõm xuống, nhẵn thín. Con rắn cái nằm khoanh tròn trong ổ, còn con đực vắt mình trên cây trông phát hãi. Khoảng 2 tiếng sau, cặp rắn này lại mò đi. Chờ chúng khuất dạng, ông Hai Tây men lại gần, nhảy vào ổ rắn. Cái ổ rắn ấy to bằng cái nia, nhẵn bóng. Khả năng cặp rắn này chuẩn bị sinh đẻ, nên mới làm ổ như vậy. Tuy nhiên, tháng sau, ông Hai Tây tìm đến ổ rắn này, thì không thấy rắn đâu, cỏ cây đã mọc kín.
Sau này ông Hai Tây mới hiểu rằng, do ông nhảy vào ổ rắn, để lại hơi người, nên chúng bỏ ổ đi mất. Theo ông Hai Tây, bọn rắn hổ mây làm ổ ở nơi rất kín đáo, không có bàn chân con người, do đó, không phải ai cũng có cơ duyên thấy được ổ rắn. Ngoài ông Hai Tây, thì chỉ nghe nói có ông Tư Nhớt cũng từng được tận mắt ổ rắn hổ mây.
Những lần một mình ông gặp rắn hổ mây khổng lồ thì nhiều không đếm xuể, nhưng có một lần, không chỉ ông, mà cả trăm người được tận mắt loài rắn này. Ấy là năm 1983, rừng U Minh cháy khủng khiếp, ông cùng hàng ngàn người tham gia chữa cháy. Nhóm của ông gồm 200 người, cấp tốc phát cây, tạo khoảng cách để lửa không tiếp tục bén rộng. Khoảng trống chừng 15m đã được mở, khu vực cũng được tưới nước ướt đẫm, để lửa không bén qua.
Đang trong quá trình mở đường thì từ phía rừng cháy, cặp rắn hổ mây khổng lồ trườn qua khoảng trống phát quang, trốn vào khu rừng chưa cháy. Cả trăm người có mặt đều được tận mắt cặp rắn. Nhiều người tá hỏa tam tinh vứt dao chạy thục mạng, không dám đi cứu rừng nữa. Không ai biết nó dài bao nhiêu mét, chỉ thấy cái thân to như cái phích nhấp nhô trườn qua khoảng trống. Hai con rắn vừa bò vừa thở khù khù. Tiếng khù khù vang xa, mãi sau mới biến mất. Theo ông Hai Tây, khả năng cặp rắn này chạy trốn lửa, mệt mỏi, nên mới mới bò chậm chạp và thở khù khù như thế, bởi hổ mây là loài cực kỳ mạnh mẽ, thường phóng ào ào trên ngọn tràm để săn mồi.
Còn tiếp…
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Giải pháp sao lưu tin nhắn iPhone cực đơn giản
- 3 Cách chuyển đổi file ghi âm sang MP3 trực tuyến miễn phí
- Cách khắc phục lỗi iPhone nóng ran và hao pin khi cập nhật lên iOS 14
- Keeng cho Android – Nghe nhạc miễn phí, xem video thỏa thích
- Uống trứng gà sống có tác dụng gì cho sức khỏe? Có tốt như lời đồn?