“Thực – ảo” sừng tê |=> Đăng trên báo Bắc Giang

Bệnh “sùng bái” sừng tê

Sừng tê giác từng hiện diện trong các bài thuốc cổ, dùng trong các trường hợp bệnh nhiễm như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, sốt phát ban, xuất huyết hay co giật… Riêng ở Việt Nam, các tài liệu như “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh, hay trong “Hải Thượng y tôn tâm lĩnh” đều có đề cập tới sừng tê giác trong một số bài thuốc chữa ban chẩn có sốt cao ở trẻ em.

Thế nhưng, sừng tê sau đó đã được đồn thổi là gắn với nhiều công dụng đặc biệt như chữa trị ung thư, tăng cường sinh lực đàn ông. Vì thế, dù vô cùng đắt đỏ, người ta cố lùng mua cho bằng được. Một doanh nhân có tiếng ở Vũng Tàu có mẹ bị ung thư phổi, điều trị khắp nơi đều không có hiệu quả, sau khi xạ trị thì sức khỏe ngày càng sa sút. Nghe mách nếu mua được lạng sừng tê giác về uống thì sẽ tăng cường sức khỏe, giúp chống chọi với bệnh tật, anh liền chạy đôn chạy đáo nhờ khắp các mối anh em, bạn bè, tìm mua bằng được một lạng sừng tê giác với giá 5.000USD mang về cho mẹ uống. Chưa biết công dụng thực sự của “thần dược” này đến đâu, nhưng chưa kịp uống hết miếng sừng nhỏ thì bà cụ qua đời khi bị căn bệnh ung thư phổi vắt kiệt sức lực.

Chị Nguyễn Thị Minh – sống tại khu Mỹ Đình (Hà Nội) cũng đã tìm mọi cách mua cho bằng được 1 miếng sừng tê giác để điều trị cho bệnh ung thư vú của mình. Chị cho biết: “Có bệnh thì vái tứ phương, người ta mách vậy thì mình cũng cố gắng mua. Hy vọng là nó có tác dụng thôi chứ có biết thực hư thế nào đâu. Người ta bảo chỉ cần soi đèn vào thấy miếng sừng đỏ như máu, mài ra có mùi khét khét là sừng thật. Tôi cũng đã cậy cục nhờ mua 1 miếng 2 lạng với giá 3.000USD/lạng”.

Không chỉ được tiếng là chữa ung thư, sừng tê giác còn được đồn đại là có công dụng tráng dương, tăng cường bản lĩnh đàn ông. Điều này được nhiều người truyền tai nhau là do tê giác có tần suất giao phối “khủng”. Việc phối giống ngẫu nhiên của loài tê giác thường kéo dài trong thời gian từ 2-4 giờ/lần nên ngày càng nhiều đấng mày râu tin vào khả năng “tráng dương” nếu được uống thứ bột mài từ sừng tê giác.

Dễ dính “quả lừa”

Nếu như cách đây vài năm, 1 lạng sừng được coi là sừng tê giác có giá chừng 1.000USD cho loại bình thường; loại tốt được giới thiệu giá khoảng hơn 3.000USD/lạng, nhưng hiện mức giá của loại “thần dược” đồn thổi này lên tới 5.000USD/lạng, thậm chí cao hơn nhiều nếu phải mua qua nhiều khâu trung gian. Đó chỉ là giá sừng tê giác châu Phi, còn giá sừng tê giác châu Á có giá đắt hơn từ 3 đến 5 lần.

Nhiều người cũng tin rằng đắt sắt ra miếng. Chính vì thế, có rất nhiều người đã ngậm phải “trái đắng” khi bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua được 1 miếng sừng tê giác nhỏ, nhưng khi đem đi kiểm tra thì chỉ là… sừng trâu. Thậm chí, “đen đủi” hơn thì có thể còn mua phải sừng nhân tạo được chế từ tóc, móng tay, nhựa polymer…

Ông Nguyễn Văn Hảo – một nhà sưu tầm cổ vật cho biết, thời sừng tê giác chưa quý hiếm và đắt đỏ như hiện nay, ông được tiếp xúc với sừng tê giác khá nhiều. Theo đó, có 2 loại là sừng tê giác châu Á và sừng châu Phi. Sừng châu Á cực hiếm, những người có loại sừng này thường là do đời ông cha để lại, còn sừng châu Phi thì phổ biến hơn. Chính vì thế, những giao dịch bán sừng tê giác được quảng cáo là sừng châu Á trên thị trường hiện nay đa phần là giả. Sừng tê giác châu Á có khá nhiều mấu xù xì trên thân sừng, trong khi sừng tê châu phi nhẵn và mịn hơn. Tuy nhiên, để phân biệt được thế nào là sừng tê giác thật và giả là việc vô cùng khó khăn và chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm.

Theo kinh nghiệm của cá nhân ông, sừng tê giác được cấu tạo bằng những “sợi” dạng lông của loài động vật này. Nếu đem chẻ dọc sừng thì có thể thấy những thớ sừng giống như thớ tre, gỗ; có thể dùng tay tách từng sợi đó ra tương tự như sợi tre, gỗ. Hiện trên thị trường có rất nhiều hàng giả. Các loại sừng trâu nước thường được “thổi” là sừng tê giác vì có những đặc điểm tương đối giống sừng tê giác, mặc dù không có tác dụng như sừng tê giác nhưng uống vào cũng… vô hại!

Còn theo y văn cổ truyền, dược liệu sừng tê giác có hình chùy tròn hoặc hơi có cạnh, đầu múp tầy hoặc nhọn và hơi xiên, dài khoảng 20-25cm, mặt ngoài màu đen, nhạt dần về phía dưới. Đế sừng có răng cưa nhỏ gọi là “mã nha biên” với kết cấu lồi lõm không đều. Quanh khu vực đế sừng có răng cưa còn có những vân dọc và gai cứng thẳng chưa gọt hết gọi là “cương mao”. Đầu sừng nhỏ, nhẵn bóng, mặt trước sừng có một rãnh dọc, dài 12-16cm, dưới đó có một u lồi dài khoảng 8cm, cao 4cm. Đế sừng tê giác to, hình tròn dài, phía trước hẹp, phía sau rộng hình mai rùa, dài 14-24cm, rộng 12-16cm, màu xám đen hoặc nâu đen, nhạt dần ra phía ngoài thành màu nâu xám hoặc vàng xám, phần đáy lõm sâu khoảng 0,4-0,8cm tùy sừng. Trên đế sừng còn có nhiều chấm tròn dày đặc. Chất sừng cứng rắn và nặng, thớ dọc đều, không có thớ vặn, chỉ có thể chẻ dọc. Phiến chẻ có màu trắng xám, điểm lấm tấm như hạt vừng hoặc có những đường chỉ nhỏ ngắn. Nếu là sừng tốt thì sẽ có màu đen bóng, không bị nứt và có mùi thơm nhẹ.

Theo Tây y, thành phần hóa học của sừng tê giác chủ yếu là keratin, ngoài ra còn có canxi cacbonat, canxi photphat. Khi thủy phân, sừng tê giác sẽ cho các axit amin như tyrosin, axit tiolactic, cystein. Dược sĩ Nguyễn Thị Nhung (Đại học Y dược Thái Nguyên) cho biết, sừng tê giác có vị chua mặn, tính lạnh, vào được hai đường kinh tâm và can, có công dụng thanh nhiệt lương huyết, trấn kinh giải độc, giảm đau và cầm máu, được xếp vào nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết. Sừng tê giác thường được dùng để chữa các chứng bệnh sốt quá hóa điên cuồng, co giật, sốt vàng da, ban chẩn, thổ huyết, chảy máu cam, ung độc, hậu bối nhưng không được dùng cho phụ nữ có thai.

Có thể liệt dương nếu dùng bừa

Ông Nguyễn Văn Hảo đã từng nhìn thấy một số người dùng sừng tê giác hạ sốt cho trẻ em rất tốt và có thể giải rượu cho người say, còn những công dụng khác ông không dám chắc chắn. Bản thân ông Hảo đã dùng thử nhưng không nhận thấy sự khác biệt về “bản lĩnh đàn ông” sau khi dùng.

Việc uống nước mài từ sừng tê giác giúp hưng phấn cơ tim. Lương y Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam) cho hay, sừng tê giác có công dụng thanh nhiệt lương huyết, trấn kinh giải độc, giảm đau và cầm máu, được xếp vào nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết, hỏa nhập vào huyết. Tuy có một số tác dụng bổ trợ sức khỏe nhất định nhưng thực chất sừng tê giác không phải là thần dược chữa bách bệnh như nhiều người vẫn nghĩ. Đặc biệt, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh uống nước bột mài từ sừng tê giác trị được ung thư. Thậm chí, theo lương y Trần Văn Quảng thì tê giác tính lạnh, nam giới lại thuộc nhiệt tính (tính nóng), khi uống tê giác cùng rượu, nóng lạnh xung khắc nhau có thể dẫn đến tắc tử. Trường hợp nhẹ, dùng nhiều tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người, thậm chí gây liệt dương.

Giá sừng tê giác châu Phi tại Việt Nam có thời điểm đã được đẩy lên tới 7.000USD/lạng. Ông Nguyễn Văn Hảo nhận định rằng, giá sừng bị đẩy lên cao là do 1 số thương lái Trung Quốc, Hàn Quốc thu mua về để chế tác thuốc An Cung ngưu hoàn hoàn (loại thuốc này trên thị trường được bán khá nhiều với thành phần được quảng cáo là có sừng tê giác). Tuy nhiên, thời gian gần đây giá sừng tê giác không còn quá cao, các thông tin trên thị trường cho thấy sừng tê giác đã hạ xuống còn khoảng 3.000- 4.000USD/lạng. Theo ông Hảo thì những thị trường có sản xuất các loại thuốc có sừng tê giác chính là nơi tiêu thụ sản phẩm này nhiều hơn cả. Ở Việt Nam tuy có “mốt” dùng sừng tê giác nhưng cũng chỉ là dùng cho cá nhân và cũng chỉ phục vụ giới lắm tiền, nhiều của chứ không phải dùng như một thành phần để chế biến thuốc đại trà.

Trước “cơn khát sừng tê” điên rồ, Việt Nam đã mất con tê giác cuối cùng vào cuối tháng 10/2010 trong nỗi buồn và sự thất vọng của những người có lương tri. Thông tin từ các hãng thông tấn nước ngoài mới đây còn cho thấy rằng, một số thợ săn của Việt Nam có thể đã vươn tay tới tận Nam Phi.

Trước việc 150 con tê giác bị giết bất hợp pháp chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2012, ngày 29/3, Bộ Môi trường Nam Phi ra thông cáo cho biết họ đã họp với Bộ NN&PTNT Việt Nam để bàn việc hợp tác trong các vấn đề cấp phép săn bắn và ngăn chặn vấn nạn lạm dụng hệ thống cấp phép. Vào đầu năm, Bộ Môi trường Nam Phi thông báo sẽ tìm cách ngừng việc cấp giấy phép săn bắn cho thợ săn đến từ các quốc gia không có luật phù hợp để giám sát việc chiến lợi phẩm trong săn bắn được dùng đúng mục đích. Một số thợ săn người Việt đã được cấp phép săn tê giác hợp pháp ở Nam Phi và sau đó mang về Việt Nam dưới dạng chiến lợi phẩm thể thao. Nam Phi đề nghị Việt Nam phải xác định rõ tên tuổi, địa chỉ, số hộ chiếu của những công dân xin giấp phép săn bắn và tiến hành điều tra, kiểm chứng xem liệu các chiến lợi phẩm thu được trong săn bắn tê giác trắng xuất từ Nam Phi về Việt Nam có còn trong tay những người thợ săn này hay không.

Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc Cơ quan Quản lý động vật hoang dã (Cites) Việt Nam cho rằng: “Không có căn cứ nào cho rằng, Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc sử dụng sừng tê giác, Nam Phi trước hết nên thắt chặt quản lý ngay từ chính quốc. Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp để quản lý các loài động thực vật hoang dã nguy cấp nói chung, chứ không phải chỉ riêng tê giác, nhưng việc quản lý ở Nam Phi thì chúng tôi không thể can thiệp vào được”. Theo thông tin chính thức, mỗi năm có khoảng 60 chiếc sừng tê được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, “chiến lợi phẩm” mang về từ các giải thi đấu từ các trang trại của Nam Phi. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế ước tính, con số thực tế mà những người mang quốc tịch Việt Nam lấy được ở Nam Phi hàng năm có thể lên tới 100 chiếc. Bộ Môi trường Nam Phi được Hãng thông tấn Reuters dẫn lời cho biết, cho đến thời điểm này vào năm 2012 đã có 43 hồ sơ xin cấp phép săn tê giác ở quốc gia châu Phi này, trong đó 23 bộ là của Việt Nam. Toàn bộ số đơn năm nay của Việt Nam đã bị Nam Phi từ chối. Năm 2006 và 2008, 3 nhân viên ngoại giao Việt Nam tại Pretoria, Nam Phi bị cáo buộc dính líu đến bê bối buôn lậu sừng tê giác, trong đó 1 người đã bị ghi hình.

Phóng viên Mike Ives của Hãng tin AP tại Hà Nội vừa có bài trích ý kiến của các chuyên gia nói nhu cầu đang gia tăng của Việt Nam có thể xóa sổ những con tê giác còn sót lại trên thế giới. Bài viết có đoạn: “Những nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã cho biết, trong thập niên vừa qua, sừng tê giác đã trở thành một thứ đồ xa xỉ phải có, giống như túi xách Gucci hay xe hơi Maybach của giới nhà giàu mới nổi ở Việt Nam”. Nhà báo của AP còn gặp một cô gái 24 tuổi ở Hà Nội, một người “mê tiệc tùng nhưng sợ say rượu”, vì thế uống rượu xong thì uống một ít nước bột sừng tê giác cho đỡ say. Bài viết trích lời nhân vật nói: “Không biết giá bao nhiêu, tôi chỉ biết nó rất đắt” và khoe chiếc sừng tê giác màu nâu dài 10cm tại gia. Cha của cô đã tặng cô món quà này, nói rằng nó chữa được mọi chứng từ đau đầu đến ung thư. Lâu nay, người Trung Quốc luôn đánh giá cao thành phần dược liệu có trong sừng tê giác, tuy nhiên y học phương Tây không công nhận. Các quan chức Hoa Kỳ cũng như các chuyên gia quốc tế lại nhận định rằng, “sự thèm khát bột phát” ở Việt Nam, phần lớn do tin đồn sừng tê giác có thể giúp điều trị ung thư, đang tạo áp lực chưa từng có lên 28.000 con tê giác còn sót lại. Ông Chris R. Shepherd, Phó giám đốc khu vực của Tổ chức Chống buôn bán động vật quý hiếm Traffic, nhận định: “Sừng tê giác vẫn được đưa vào Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang có xu hướng gia tăng”. Năm 2011, các tay săn trộm đã hạ sát 448 con tê giác ở Nam Phi. Theo Reuters, trên thị trường chợ đen, giá sừng tê giác đã tăng lên đến 65.000USD/kg, đắt như vàng.

Theo Nguyễn Hoài – Hoàng Phương/petrotimes.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *