Mình nghĩ rằng những người yêu thích Murakami Haruki, hẳn sẽ không chỉ thích những tiểu thuyết ông viết. Mà một phần lớn trong đó phải kể tới lối sống “tử tế”, “đàng hoàng” của ông nữa…
Trong số khoảng 5 tác phẩm của ông mình từng đọc, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” chắc chắn không thể được biết tới nhiều như “Rừng Nauy” hay “Biên niên ký chim vặn dây cót”…, nhưng không mình đoán khá chắc chắn rằng đây là tác phẩm truyền cảm hứng nhiều nhất. Và là lý do khiến nhiều người bắt đầu việc chạy bộ, mình tin chắc chắn một điều như vậy!
Cuối tuần này mình thong thả đọc lại cuốn này lần thứ 2, một cách chậm rãi, và hightlight những đoạn mình yêu thích. Nói vậy thôi, chứ đây là một công việc không hề đơn giản, vì mình muốn highlight gần như tất cả, trời ạ! Cuốn sách nhìn mỏng xíu xíu viết về việc rèn luyện chạy bộ của ông, mà lại chứa đựng đầy triết lý sống. Và mình mơ hồ rằng nếu con người ta muốn rèn luyện tính kỷ luật trong cuộc sống, có lẽ cảnh giới cao nhất cũng chỉ đến thế này là cùng…
Thông tin để mọi người hình dung một chút tại sao mình lại đánh giá cao sự bền bỉ và kỷ luật này đến vậy, thì Murakami chạy cuộc thi Marathon đầu tiên vào năm 1983, đều đặn cho tới hiện tại là 38 năm. Năm nay ông đã 72 tuổi.
QUOTES:
1. Đau đớn là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tự nguyện.
Giả dụ lúc đang chạy ta lại bắt đầu nghĩ, Trời ơi đau quá, mình không chịu đựng nổi nữa rồi. Cái phần đau là 1 thực tế không tránh khỏi, nhưng có chịu đau nữa hay không là 1 lựa chọn.
2. Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý. Tôi hoàn toàn tán thành. Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định.
3. Có thể hơi ngớ ngẩn một chút khi ai đó đến tuổi tôi rồi mới nói điều này, nhưng tôi chỉ muốn chắc là mình nói rõ ràng, cặn kẽ: tôi là kiểu người thích được ở một mình. Để diễn đạt chính xác hơn, tôi là kiểu người không thấy buồn phiền khi ở một mình. Tôi thấy dành một hai giờ mỗi ngày chạy bộ một mình, không nói gì với ai, cũng như bốn năm giờ đồng hồ một mình tại bàn viết là việc không khó khăn cũng chẳng buồn chán. Tôi đã có khuynh hướng này từ khi còn trẻ, hồi ấy, nếu được chọn, tôi thích đọc sách một mình hay chú tâm nghe nhạc hơn là cùng với ai khác. Bao giờ tôi cũng có thể nghĩ ra thứ này thứ nọ để làm một mình.
Dù vậy, nhưng sau khi lập gia đình sớm (lúc đó tôi hai mươi hai tuổi) tôi cũng đã dần quen với chuyện sống với một người khác. Sau khi rời trường đại học tôi làm chủ một quán rượu, do vậy tôi học được tầm quan trọng của việc cùng với người khác và cái điều hiển nhiên là ta không thể sống được một mình. Thế rồi, dần dà, dù có lẽ đây là cách giải thích của riêng tôi, qua kinh nghiệm của bản thân, tôi khám phá ra phải làm thế nào để quảng giao bặt thiệp. Giờ đây, hồi tưởng lại quãng thời gian ấy, tôi có thể thấy rằng trong suốt những năm tháng tuổi hai mươi của mình, thế giới quan của tôi đã thay đổi, tôi đã chín chắn hơn. Bằng cách chõ mũi vào đủ nơi đủ chốn, tôi đã có được những kỹ năng thực tiễn cần thiết để sống.
5. Người ta thường hỏi tôi nghĩ đến cái gì trong lúc chạy bộ. Thường thì chính những người hỏi như vậy chưa từng chạy đường dài. Tôi luôn ngẫm nghĩ câu hỏi này. Chính xác là mình nghĩ gì khi chạy? Tôi cũng không biết nữa. […] Tôi chỉ chạy. Tôi chạy trong sự rỗng không. Hay có lẽ tôi nên nói cách khác như thế này: tôi chạy để đạt được một sự rỗng không. […] Khi chạy tôi tự nhủ mình hãy nghĩ đến một dòng sông. Và mây. Nhưng cơ bản thì tôi không nghĩ đến một cái gì cả. Tất cả những gì tôi làm là cứ chạy trong cái rỗng không tự tạo, ấm cúng, sự tĩnh lặng hoài niệm của riêng mình. Và đây là một thứ khá tuyệt vời. Dù bất kỳ ai khác có nói gì đi nữa.
6. Làm kinh doanh thiên về dịch vụ, nghĩa là ta phải chấp nhận bất kỳ ai bước qua cửa. Bất kể là ai đến, trừ phi họ thật sự khủng khiếp, bằng không ta phải chào đón họ với nụ cười thân thiện trên môi. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi đã được gặp mọi hàng người khác thường và có những cuộc gặp gỡ lạ thường.
7. Nói cách khác, ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
Ngay cả khi trông coi quán rượu tôi cũng theo đuổi cùng một chính sách ấy. Có rất nhiều khách đến quán. Nếu như một trong mười người thích quán và nói y sẽ trở lại, vậy là đủ. Nếu một trong mười người là khách quen thì quán sẽ tồn tại. Nói cách khác, nếu như hết chín trong mười khách không thích quán rượu của tôi thì cũng không quan trọng. Nhận ra điều này, tôi cất được một gánh nặng trên vai. Dù vậy, tôi phải chắc chắn là cái người nhận là mình thích đó, họ thích thực sự. Để chắc chắn là họ thích thực sự, tôi phải có thái độ sống và quan điểm rõ ràng, và kiên quyết giữ vững quan điểm đó trong mọi tình huống.
8. Cái chính không phải là tốc độ hay cực ly mà là chạy mỗi ngày, không nghỉ.
9. Hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tuỳ mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không.
10. Tôi cho rằng mình đã có thể chạy trong hơn hai mươi năm là bởi một lý do đơn giản: nó hợp với tôi. Hay ít ra là vì tôi không thấy khó nhọc gì lắm. Con người lẽ tự nhiên sẽ tiếp tục làm những gì mình thích, và thôi không làm những thứ mình không thích.
11. Trường học là như thế đấy. Điều quan trong nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất ta lại không học hỏi được ở trường.
12. Cơ bắp, cũng như lũ gia súc, vốn rất sáng dạ. Nếu ta thận trọng tăng công việc, từng bước một, chúng sẽ học được cách chịu đựng nó.Nếu gánh nặng ngưng lại vài ngày, cơ bắp sẽ tự động cho là chúng không phải làm việc nặng nhọc đến như thế nũa, và chúng hạ các giới hạn của mình xuống. Cơ bắp quả thực rất giống gia súc, chúng chỉ muốn càng nhẹ nhàng càng tốt; nếu không dùng áp lực với chúng, chúng sẽ nghỉ ngơi và xóa sạch ký ức về tất cả công việc đó. Đưa cái ký ức đã bị xóa này vào lại lần nữa, thế là tôi phải đi lại từ đầu cuộc hành trình. Dĩ nhiên đôi khi phải nghỉ ngơi là điều quan trọng, nhưng vào một thời điểm quyết định như thế này, khi mà tôi đang luyện tập cho một cuộc đua, tôi phải cho cơ bắp của mình thấy ai là chủ.
13. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống qua những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống-cho tôi.
14. Mấy người thở dốc là người mới bắt đầu; những người thở nhẹ, điều hoà là người chạy lâu năm. Tim của họ mơ màng, thong thả đập. Khi ta chạy qua nhau trên đường, ta lắng nghe nhịp thở của nhau, và cảm nhận cách người kia đang sống từng khoảnh khắc. Rất giống như hai nhà văn cảm nhận được cách diễn đạt và văn phong của nhau.
15. Khi ta già đi ta học được cách thậm chí là bằng lòng với cách ta có. Đó là một trong ít ưu điểm của chuyện già đi.
16. Đã bao giờ tôi có được những ngày rực rỡ như thế trong đời mình chưa? Có lẽ có một ít. Nhưng cứ cho là hồi đó tôi có đuôi tóc dài đi nữa thì tôi không chắc nó cũng đung đưa kiêu kỳ như đuôi tóc của mấy cô gái ấy. […] Mặc dù vậy, khá là tuyệt vời khi ngắm mấy cô gái ấy chạy. khi đang ngắm họ, một ý nghĩ chợt sáng rõ trong tôi: một thế hệ tiếp nối thế hệ trước. Đây là cách mọi thứ được trao truyền trong thế giới này, vậy nên tôi không cảm thấy khó chịu lắm khi họ vượt qua tôi. Mấy cô gái này có tốc độ của riêng mình, cảm nhận thời gian của riêng mình. Và tôi có tốc độ của riêng tôi, cảm nhận thời gian của riêng tôi. Hai thứ đó hoàn toàn khác biệt, nhưng nó phải như thế thôi.
17. Có lẽ có hơi kỳ cục khi phát biểu điều này muộn thế này, nhưng Gatsby quả là một tiểu thuyết xuất sắc. Tôi chưa hề thấy chán nó, dù có đọc bao nhiêu lần đi nữa. Đó là kiểu văn chương nuôi dưỡng ta khi ta đọc, và mỗi lần đọc tôi đều chợt nhận ra thêm một cái gì mới, và có một thái độ mới mẻ dành cho nó. Tôi thấy thật kinh ngạc làm sao khi một nhà văn trẻ như thế, chỉ có hai mươi chín tuổi lúc bấy giờ, lại có thể nắm bắt- rất sâu sắc, rất công bằng, rất nồng hậu- hiện thực của cuộc sống. Làm sao lại có thể thế được nhỉ? Tôi càng nghĩ về điều ấy và càng đọc cuốn tiểu thuyết thì điều đó càng khó hiểu hơn.
18. Dù sao, khi ta lớn hơn, bằng cách thử và sai, ta học cách đạt được cái ta cần và ném đi cái cần phải bỏ. Và ta bắt đầu nhận ra (hay đành chấp nhận thực tế) rằng do lỗi lầm và khiếm khuyết của ta gần như vô tận, tốt nhất ta nên nhận thức ra những ưu điểm của mình và học cách xoay xở với cái mình có.
19. Chúng tôi quyết định là từ nay trở đi sẽ chỉ gặp gỡ những người chúng tôi muốn gặp và, được chừng nào hay chừng đó, thu xếp cách nào đó để không gặp những người mình không muốn gặp. Chúng tôi cảm thấy, ít nhất là trong một thời gian, rằng có thể cho phép mình có được cái niềm vui giản dị xa xỉ này.
20. Tôi không phải là một người chạy giỏi, hoàn toàn không. Tôi ở một mức bình thường – hay có lẽ giống như tầm thường hơn. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Vấn đề là ở chỗ tôi có hoàn thiện hơn ngày hôm qua hay không. Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách cũ của ta.
21. Như tôi đã nói ở trên, đua tranh với người khác, dù là trong đời sống hàng ngày hay trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, đơn giản không phải là lối sống tôi theo đuổi. Hãy thứ lỗi cho tôi khi nói điều hiển nhiên, nhưng thế giới này hình thành từ đủ mọi hạng người. Người khác có giá trị riêng của họ để sống theo, điều đó cũng đúng đối với tôi. Những khác biệt ấy làm nảy sinh bất đồng, và sự kết hợp các bất đồng này lại có thể làm nảy sinh những ngộ nhận còn lớn hơn. Kết quả là, đôi khi người ta bị chỉ trích sai. Dĩ nhiên rồi. Bị hiểu lầm hay chỉ trích thì chẳng mấy vui vẻ, mà đúng hơn là một kinh nghiệm cay đắng làm người ta bị tổn thương sâu sắc. Dù sao, khi già đi, tôi dần dần nhận ra rằng kiểu đau lòng và tổn thương này là một phần tất yếu của cuộc sống. Cứ nghĩ mà xem, chính bởi con người ta khác với mọi người mà họ có thể tạo ra cái tôi độc lập riêng của mình. Tổn thương về mặt cảm xúc là cái giá một người phải trả để được độc lập.
22. Tôi là kiểu người phải tận tâm tận lực với bất cứ cái gì mình làm. Tôi không thể làm một việc khôn ngoan như kiểu mình thì viết tiểu thuyết trong khi ai khác lo việc kinh doanh. Tôi phàm đã làm gì là cống hiến hết mình. Nếu thất bại, tôi có thể chấp nhận. Nhưng tôi biết rằng nếu mình làm mọi việc nửa vời và rồi chẳng đi tới đâu, tôi sẽ luôn luôn hối tiếc.
23. Tôi cho rằng trừ khi ta còn trẻ, nếu không ta thực sự cần phải biết cái gì là ưu tiên trong đời, xem xem nên phân chia thời gian và sức lực của mình theo thứ tự nào. Nếu đến một độ tuổi nào đó ta không đặt ra được kiểu tính trật tự ấy, ta sẽ thiếu trọng tâm và cuộc sống của ta sẽ mất cân bằng.
24. Mỗi khi cảm thấy không muốn chạy, tôi luôn tự hỏi mình cũng một câu: Mình có thể kiếm sống bằng nghề tiểu thuyết gia, làm việc tại nhà, sắp xếp giờ giấc cho mình, vậy nên mình không phải đi lại trên một toa tàu điện chật như nêm hay ngồi chịu trận những cuộc họp chán ngắt. Chẳng lẽ mình không thấy là mình may mắn thế sao? (Tin tôi đi, tôi có nhận thấy). So với chuyện đó, chạy một giờ quanh khu hàng xóm thì đâu có là gì, đúng không? Mỗi khi tôi hình dung mấy con tàu đông nghịt và những cuộc họp hành liên miên bất tận, nó giúp tôi có động cơ rõ rệt trở lại, thế là tôi thắt chặt dây giày chạy và lên đường mà không còn băn khoăn gì nữa. Nếu mi không kham được chuyện này, tôi nghĩ , thì đáng đời mi lắm. Tôi nói điều này khi biết rất rõ rằng có rất nhiều người sẽ sẵn sàng chọn lên một chuyến tàu chật kín người và dự những cuộc họp bất kể ngày giờ hơn là chạy bộ một giờ mỗi ngày.
25. Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ. Ngắn gọn thế thôi.
Mình nghĩ là mình sẽ còn bổ sung thêm nữa vào danh sách này… Vì như mình đã nói, mình thật sự muốn highlight cả quyển sách 😦 Mà lần nào mình đọc lại mình cũng tâm đắc vô cùng!
À, chính vì cuốn này nên mình đã bắt đầu thói quen chạy bộ, sang tháng thứ 3 rồi. Trong tuần này mình chạy 4 lần, được khoảng 20km, mà có thế thôi mà mắt cá chân phải đã có dấu hiệu “biểu tình” như kiểu đang gặp chấn thương vậy….
Tuần vừa rồi mình cũng đăng ký chạy 42km trong vòng 21 ngày (à, hay 4 tuần nhỉ?!) để góp 100k vào quỹ Vacxin gì đó do VnExpress tổ chức, nên mình sẽ còn 22km nữa. Trời ạ, vậy mà Murakami có thể chạy đều đặn 2 tiếng cho mỗi lần chạy (chắc là ~21km?) và chạy 6/7 ngày 1 tuần. Thật không thể hiểu nổi!
Thật là không liên quan, nhưng mà có vẻ như cuộc đời mình thật kỳ lạ so với chúng bạn, vì từ bé tới giờ chưa hề có 1 idol Hàn Quốc nào cả. Nhưng mình lại đi thần tượng những người đâu đâu với những sở thích kỳ lạ. Nhưng mà, tìm được 1 idol như Murakami Haruki để mà ngước nhìn và theo đuổi, mình thấy cũng xứng đáng vô cùng!!!
Sách mỏng xíu xiu à nên đâu đó chừng 50k thôi. Click vào các hiệu sách online mình đặt link dưới đây là mua được ngay rồi nè ❤️ Tiki (mình thấy giá mềm nhất hehee)Fahasa Shopee
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích Đang tải…
Có liên quan
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Game of Thrones Staffel 7 Folge 2 Sturmtochter Review – Gamer's Potion Gaming, Hardware, Filme und mehr
- Ý tưởng Kiếm tiền 2tr 1 ngày – BYTUONG
- Cách up file ghi âm lên Facebook trên Android, iPhone
- Phát wifi trên Windows 10 không cần dùng phần mềm
- hướng dẫn cheat harvest moon friends of mineral town