Làm thế nào để chụp một bức ảnh có chiều sâu? Nhiếp ảnh
Làm sao để chụp được bức ảnh có hồn luôn là ước muốn của bất cứ một người chơi ảnh nào. Một tấm hình đẹp không chỉ cần có kỹ thuật tốt, bố cục gọn gàng, màu sắc, ánh sáng hài hòa, mà ý tưởng luôn là yếu tố không thể thiếu. Điều này nghe có vẻ mơ hồ và phức tạp, nhưng thực ra chỉ cần một vài mẹo nhỏ về cách nắm bắt thời gian và không gian là bạn đã có thể chụp được một bức để đời. Bài viết này sẽ tập trung vào hai loại phối cảnh dễ tạo ấn tượng là độ sâu trường ảnh và cách tạo khung cho tấm hình.
Bộ óc và thị giác của con người là một cỗ máy khá hoàn hảo, nó có khả năng thu thập và phân tích để đưa ra những kết quả chính xác nhất về khoảng cách và kích thước tương đối của vạn vật quanh ta. Những gì ta nhìn thế giới qua đôi mắt ra sao thì khi lên ảnh cũng y như vậy, vật ở gần thì to và rõ, càng ra xa thì càng nhỏ và mờ ảo hơn. Kết quả cũng tương tự với những đường thẳng, con đường dưới chân bạn luôn rất to và thẳng, với hai mép song song nhau, nhưng càng phóng tầm mắt về cuối con đường ta càng có cảm giác chúng như nhỏ dần lại và gặp nhau ở một điểm. Điều này được biết đến trong nhiếp ảnh với cái tên “Luật xa gần”. Một khi nắm bắt và hiểu rõ về luật này, hay nói dễ hiểu hơn là về phối cảnh, những tác phẩm của bạn trông không chỉ có chiều sâu, mà còn rất có hồn.
- Chụp ảnh đẹp trên iPhone bạn nên sử dụng 6 “bí kíp” này
- Đam mê nhiếp ảnh không nên bỏ qua 39 trang web cung cấp kho ảnh miễn phí
Nội dung bài viết
Phối cảnh đường thẳng
phối cảnh mà bạn sẽ thường gặp nhất trong đời sống và cũng là loại dễ thực hành nhất. Điểm nhấn của tấm ảnh sẽ là hai bên lề của con đường, tốt nhất bạn nên đưa hai đường song song này vào giữa khung hình để tạo điểm nhấn. Cố gắng lấy nét vô cực để khấu nhỏ và đừng để những đối tượng khác như xe cộ hay người qua lại lọt vào khung hình gây rối mắt. Kết quả là bạn sẽ có một con đường dài hun hún xoáy sâu vào thị giác người xem. Nói cách khác, những bức ảnh kiểu này rất dễ tạo ấn tượng mạnh, do nó khiến người xem có ảo giác về không gian.
Để chụp những tấm hình kiểu này, tốt nhất bạn nên sử dụng những lens góc rộng. Loại ống kính này sẽ làm tăng cảm nhận về độ sâu của bức ảnh, do nó có khả năng xóa nhòa ranh giới giữa tiền cảnh và hậu cảnh bằng cách nhấn mạnh vào điểm cuối tấm hình, nơi gặp nhau của hai đường thẳng. Nếu bạn dùng những ống kính tele, góc hẹp, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn một chút do thế mạnh loại lens này là DOF nông, nó chỉ lấy nét tại một vùng, mà không tạo được sự kết nối, liền mạch, và có độ nét thông suốt giữa tiền ảnh và hậu cảnh như các lens wide.
Các bức ảnh dưới đây được chụp bằng lens góc rộng 18mm, và bạn có thể thấy người chụp vừa thể hiện được đầy đủ những chi tiết cần thiết, nhưng vẫn tạo được điểm nhấn và độ sâu cho tấm hình mà không hề bị rối mắt. Ngoài ra góc độ chụp cao hay thấp cũng ảnh hưởng nhiều tới kết quả, hãy tự mình trải nghiệm để tìm ra kỹ thuật chụp nào hợp gu của mình nhất.
Phối cảnh kiểu thu nhỏ
Loại phối cảnh này tương đối giống với kiểu đường thẳng ở chỗ cả hai cùng thể hiện cái nhìn xa xăm, với một đường thẳng chứa các chủ thể ngày càng xa vời và nhỏ bé dần. Nếu bạn định chụp một con đường vắng vẻ vào buổi tối với hai hàng đèn đường lạnh lẽo mỗi bên thì rất nên lưu ý tới kiểu bố cục này. Bạn nên đặt hai hàng cột thẳng hàng vào tiền cảnh để tạo điểm nhấn, càng ra xa những chiếc đèn càng nhỏ đi, và cho tới cuối khung hình ta chỉ nhận ra những chấm nhỏ lờ mờ. Bạn phải chú ý, điểm nhấn của loại bố cục này là một hàng/dãy các vật thể cứ bé dần đều, chúng rõ nét ở tiền cảnh, và càng tiến về hậu cảnh càng mờ nhạt dần, đó chính là sự khác biệt cơ bản so với phối cảnh kiểu đường thẳng.
Một điểm lưu ý nữa khi định áp dụng kỹ thuật này là các chủ thể phải đồng nhất, tốt nhất là cùng một loại về màu sắc, hình dạng và kích cỡ như các tấm hình bên dưới. Sỡ dĩ phải để tâm đến điều này bởi thị giác con người chỉ bị thu hút khi các vật thể có cùng kích thước nhưng khác nhau về khoảng cách. làm tốt bố cục loại này bức ảnh của bạn sẽ rất ‘tâm trạng’ và có chiều sâu.
Một trường hợp khác cũng rất nên áp dụng phối cảnh thu nhỏ là khi chụp cầu thang từ trên xuống, nhất là dạng xoắn ốc. Nếu gặp dạng này, bạn hãy đứng từ vị trí cao nhất có thể, và tưởng tượng ra một đường thẳng ở tâm của hình xoắc ốc, nhớ là đường thẳng đứng, vuông góc với mặt đất chứ không phải đường nằm ngang. Khi đó, càng xoáy sâu xuống bên dưới thì cảnh vật càng thu nhỏ lại, và ta có cảm giác hệ cầu thang đồ sộ này sẽ mất hút tại một điểm nằm ở tâm bức hình. Nói một cách dễ hiểu, bạn chọn điểm giao cắt của đường thẳng bên trên với mặt đất là điểm lấy nét, và nhấn nút chụp.
Phối cảnh trên không
Hiện nay rất nhiều người ưa dùng phối cảnh này khi chụp ảnh phong cảnh, đặc biệt là ở những nơi rộng rãi, có nhiều mây khói hoặc sương mù ở phía xa. Chụp ảnh trong những điều kiện thời tiết như vậy không những tạo được điểm nhấn về hình dạng của chủ thể, mà còn đưa thêm hiệu ứng về chiều sâu cho người xem. Đối tượng gần ống kính máy ảnh nhất sẽ hiện lên sẽ rất đậm nét, thậm chí có phần hơi bão hòa màu, tuy nhiên càng ra xa mọi thứ càng trở nên mờ ảo cũng như nhẹ nhàng hơn nhiều.
Khi nhìn một bức ảnh chụp theo phong cách này, bạn sẽ có cảm giác nó được tạo nên bởi nhiều lớp khác nhau, hệt như một tác phẩm tranh vẽ. Chính sự tương phản rõ rệt về màu sắc và độ nét của phần tiền cảnh và hậu cảnh đã tạo nên điều này. Thông thường khi xem một tấm ảnh loại này, đôi mắt sẽ bị thu hút trước tiên bởi phần rõ nét và có màu sắc nổi bật ở gần, sau đó mới đến phần phía sau. Vì là ảnh chụp phong cảnh nên thường sẽ chỉ có một màu sắc chủ đạo duy nhất, tuy nhiên sự khác biệt lớn về độ tương phản được tao nên bởi các tia sáng bị khúc xạ khi đi qua từng cao độ khác nhau của khí quyển đã tạo nên một hiệu ứng vô cùng đẹp mắt.
Nếu bạn là người yêu thích hội họa, phối cảnh kiểu này đã từ lâu là một trong những chuẩn mực kinh điển. Tuy nhiên, với nhiếp ảnh thì các tay máy mới chỉ thực sự đào sâu tìm hiểu và khám phá chúng trong thời gian gần đây. Để chụp tốt loại này, bạn trước tiên cần chú ý đến hai yếu tố khách quan là ánh sáng và thời tiết. Không có một chuẩn mực nào để ta có thể đem ra như một công thức chung, nhưng bạn nên xem xét căn chỉnh kĩ để có một shot hình ưng ý nhất mà không phải qua hậu kỳ nhiều. Để có được kết quả tốt nhất, bạn nên sử dụng loại ống kính có tiêu cự dài (tele) vì khả năng tạo điểm nhấn cho chủ thể ở gần máy ảnh tốt hơn nhiều so với loại ống kính góc rộng. Dùng lens kiểu này phần tiền cảnh sẽ được làm nổi bật hẳn lên so với phần hậu cảnh ở xa có sương khói mù mịt. Một lưu ý nữa là lens tele khi zoom xa thường bị nhòe và rung, do đó bạn nên mang theo một tripod để đảm bảo tác phẩm của mình có độ sắc nét tối đa.
Khoảng thời gian tốt nhất trong năm để bạn thực hành kiểu phối cảnh này là những ngày mùa đông nhiều sương mù, nhưng nếu “trình” cao thì bạn có thể chơi được cả vào mùa hè, mỗi khi trời vừa mưa rào xong. Ngoài ra, còn có một lưu ý nữa về mặt kỹ thuật là về độ phơi sáng, thường thì trong những điều kiện như trên ảnh thường bị tối, và khá ảm đạm, nhưng nếu biết cách áp dụng một vài chiêu để chọn điểm khóa sáng thích hợp, bạn hoàn toàn có thể đánh lừa cảm biến của máy ảnh và tạo ra những tấm hình tươi tắn cân đối hơn đời thực nhiều. Ngoài ra, tốt nhất bạn nên đưa máy ảnh về chế độ chỉnh tay hoàn toàn (mode M) để có thể toàn quyền can thiệp về khẩu, tốc, ISO thì mới có kết quả hoàn chỉnh được.
Độ sâu trường ảnh
Đây là khái niệm không còn quá xa lạ hay khó hiểu với đa số những người yêu thích chụp ảnh. DOF (depth of field) ảnh hưởng trực tiếp đến độ sắc nét của chủ thể và độ mờ của phần hậu cảnh/tiền cảnh. Não của chúng ta thường tiếp nhận thông tin về chủ thể ở gần cũng nghĩa là vật rõ nét nhất trước tiên, sau đó mới tới các phần ở xa hơn. Càng ra xa khung cảnh càng mờ và làm nền cho vật thể ở gần nổi bật hơn, đó là những gì thuộc về thị giác, chứ không chỉ của nhiếp ảnh.
Hãy thử tưởng tượng khi bạn đang chụp chân dung một người đứng trước một bức tường gạch, ở khẩu độ f/2,8 và lấy nét vào khuôn mặt. Lẽ dĩ nhiên, người đó trông chỉ nét hơn bức tường phía sau đôi chút. Bây giờ, chỉ cần anh/cô ấy đứng xa bức tường kia vài bước chân, vẫn giữ nguyên các thông số và điểm lấy nét, kết quả sẽ hoàn toàn khác. Phần hậu cảnh sẽ trở nên mờ hơn nhiều, bạn càng tăng khoẳng cách thì độ mờ càng lớn.
Kết quả là bức hình sẽ làm người xem liên tưởng đến người trong bức hình ở rất xa bức tường kia và họ sẽ chỉ chú tâm vào chủ thể và không bị phân tâm vào phần background, dù sự thực không đến nỗi như vậy. Đây là minh chứng tiêu biểu cho khả năng “đánh lừa” thị giác tuyệt vời của máy ảnh khi bạn biết cách áp dụng.
Tạo khung cho ảnh
Rất đơn giản! Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là tận dụng những gì có quanh mình để làm nên một chiếc khung ngay trong tấm hình cho vật bạn chọn làm chủ thể. Tuy dễ hiểu và không khó khăn gì để áp dụng, nhưng hiệu quả của phương pháp này đem lại là rất lớn. Bạn không chỉ tạo được điểm nhấn, mà dường như còn đang vẽ ra một con đường dẫn dắt người xem đến với trọng tâm của tác phẩm. Chính điều này khiến tấm hình trở nên gọn gẽ và có chiều sâu hơn rất nhiều.
Bạn thấy đấy, những kiểu bố cục, phối cảnh như trên cũng tương đối dễ hiểu và áp dụng đấy chứ. Nhưng điều quan trọng nhất cho một bức ảnh đẹp vẫn là một con mắt nghệ thuật, biết nắm bắt chính xác thời điểm và phối hợp hài hòa các nguồn sáng. Một khi làm chủ được ánh sáng, bạn sẽ dễ dàng phối các kỹ thuật trên với nhau và tạo ra một tuyệt phẩm để đời cũng nên.
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Top 5 Cách kiếm tiền với Paypal uy tín và nhanh nhất
- Cách chọn kính bảo hộ đi xe máy dùng cho ban ngày và ban đêm
- Cách chèn chữ vào ảnh, viết chữ lên ảnh trên điện thoại, thêm chữ vào
- Mua combo 3 app chỉ 50k, khách gửi nhầm 50 triệu Thủ thuật
- Tài khoản Elsa Speak Pro 1 năm, vĩnh viễn – Professorvn